logo
title

Doanh nghiệp lữ hành “hiến kế”

Cập nhật ngày: 25/01/2014
Ngày 17.1 tại TP.HCM, Bộ VHTTDL đã gặp gỡ các đơn vị lữ hành tiêu biểu năm 2013 với sự góp mặt của đại diện hơn 40 doanh nghiệp hàng đầu cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của các địa phương như TP.HCM, Bình Định, Đà Nẵng, Đồng Tháp...

Chủ trì chương trình, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh Bộ VHTTDL muốn lắng nghe những chia sẻ, ý kiến đóng góp thẳng thắn, mang tính xây dựng của các đơn vị, cùng nhau “hiến kế” để ngành du lịch nước nhà phát triển hơn nữa trong thời gian tới. 

 Đề xuất tăng số lượng quốc gia được miễn giảm thị thực

Tại chương trình, đông đảo ý kiến của đại biểu cho rằng những kết quả mà ngành du lịch Việt Nam (VN) đạt được trong năm 2013 như đón hơn 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,6%; tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 35 triệu lượt, tăng 7,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 200.000 tỉ đồng, tăng 25 % so với năm 2012, cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra cho năm 2015, về đích trước hai năm so với mục tiêu Chiến lược Phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… là minh chứng sống động chứng tỏ ngành du lịch đã và đang đi đúng hướng. Qua đó, các đại biểu góp ý để du khách quốc tế tiếp tục chọn nước ta làm điểm đến thì việc duy trì chính sách miễn giảm thị thực là vô cùng cần thiết.

Bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam cho biết, thông tin về việc bãi bỏ chính sách miễn giảm visa cho khách quốc tế (trong năm 2013 vừa qua) đã gây hoang mang rất nhiều cho người làm du lịch. Bởi năng lực cạnh tranh của các hãng lữ hành nước ta so với khu vực chưa cao, khi không còn được áp dụng chính sách miễn giảm visa, giá tour chắc chắn sẽ đội lên, đối tác sẽ cân nhắc khi quyết định mua sản phẩm. Quan trọng hơn là bãi bỏ chính sách miễn giảm visa sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ về hình ảnh đất nước VN tươi đẹp, thân thiện sẵn sàng chào đón du khách trong mắt bạn bè quốc tế.

Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng, chúng ta mới chỉ miễn giảm thị thực cho Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và 4 nước Bắc Âu trong khi Thái Lan đang miễn visa cho 55 quốc gia và Malaysia là 155 quốc gia… Việc không áp dụng chính sách miễn giảm thị thực nữa là sai lầm, chúng ta chỉ được thêm vài USD /khách trong khi mất hàng ngàn USD khi họ không chọn Việt Nam làm điểm đến vì gặp “rào cản” thị thực…

Đồng tình với những quan điểm trên, đại diện nhiều đơn vị lữ hành kiến nghị trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần xem xét để tăng số lượng các quốc gia được áp dụng chính sách miễn giảm thị thực khi đến VN, tạo nên một môi trường du lịch thông thoáng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, sự hấp dẫn của điểm đến…

“Hiến kế” để hút khách Nga, Nhật

Tại buổi làm việc, các công ty du lịch cho biết lượng khách Nga và Nhật chọn nước ta để dừng chân ngày một tăng cao. Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ánh Dương (đơn vị đưa hơn 50% tổng lượng khách Nga vào VN trong năm 2013) đề xuất cơ quan chức năng nên xem xét nới dài thời gian lưu trú của khách Nga tại VN từ 15 ngày như hiện nay lên 30 ngày, bởi có nhiều khách Nga muốn nghỉ dưỡng liên tục trên 3 tuần tại VN nhưng trong luật quy định chỉ có 15 ngày nên họ đã không đến.

Đồng thời, kiến nghị cho khách du lịch ở thị trường Ukraina được hưởng chính sách miễn giảm thị thực như đối tượng khách Nga vì giữa họ có nhiều điểm tương đồng như nằm trong khối các nước thuộc Liên Xô cũ, có quan hệ tốt với nước ta, đáng chú ý là nhu cầu nghỉ dưỡng tương đối dài và chi tiêu rất cao…

Góp ý về công tác quảng bá du lịch tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Văn Tấn- Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành JTB-TNT cho rằng, ngành du lịch VN cần có kế hoạch liên kết với những đơn vị lữ hành hàng đầu của Nhật vì họ có mạng lưới rộng lại am hiểu về tâm lý của người dân nên sẽ tiếp thị hình ảnh VN rất hiệu quả.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Apex Nguyễn Văn Trấn thì chia sẻ, trong thời điểm kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều khách Nhật dần chuyển qua du lịch nội địa để tiết kiệm chi phí thì đây chính là lúc các đơn vị lữ hành VN nên tính toán đưa ra mức giá ưu đãi hơn, cũng như xây dựng và làm mới các sản phẩm tour tuyến để họ chọn nước ta làm điểm đến ưu tiên…


Đông đảo các đơn vị lữ hành tham gia đóng góp ý kiến tại chương trình

Cần sớm có Cảnh sát du lịch

Về công tác đảm bảo an toàn cho du khách trong và ngoài nước, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng lữ hành Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, do áp dụng nhiều giải pháp nên số vụ chèo kéo, cướp giật tài sản của du khách trên địa bàn TP thời gian qua có giảm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, ngành du lịch TP.HCM kiến nghị với các ban, ngành liên quan xem xét và thông qua đề án thành lập Cảnh sát du lịch. Bằng nghiệp vụ của mình, lực lượng này sẽ bảo vệ an ninh, trật tự và bảo đảm an toàn cho du khách tại các điểm, khu du lịch, vừa ngăn ngừa, răn đe và kịp thời xử lý mọi hành vi xâm hại quyền lợi của khách…

Bên cạnh đó là đề xuất TCDL, Bộ VHTTDL xem xét việc bắt buộc treo giấy xác nhận có chức năng kinh doanh lữ hành nội địa hoặc giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế (nếu có) lên bảng hiệu của đơn vị lữ hành. Theo ông Anh, việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho du khách trong việc phân biệt giữa những đơn vị lữ hành làm ăn chân chính và những công ty du lịch “chui” (vì chỉ những đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới được cơ quan chức năng cấp những giấy tờ này). Bên cạnh việc du khách an tâm để mua tour của những công ty đã được thẩm định, kiểm chứng, người dân trên địa bàn còn có thể căn cứ vào đây mà nhận diện các công ty du lịch “chui” để tố giác cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý…

Trong khuôn khổ chương trình, còn nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề: nhanh chóng tiến hành điều chỉnh Luật Du lịch để phù hợp với xu hướng phát triển mới, sớm có kế hoạch triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trong năm 2014, kiến nghị Bộ VHTTDL và TCDL làm việc với các địa phương, xem xét cho các đơn vị lữ hành và học sinh theo học chuyên ngành du lịch được hưởng giá vé ưu đãi tại các điểm tham quan, thắng cảnh (có bắt buộc mua vé), xây dựng quy chế, tăng mức phạt về vấn nạn “nhái” thương hiệu du lịch…

Kết luận chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn đánh giá cao những đóng góp quý báu, chân tình của các đại biểu. Qua đó, khẳng định trong năm 2014 với dự báo bối cảnh chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng là năm đầu tiên sau nhiều năm, ngành du lịch nước ta có đầy đủ hệ thống các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển đồng bộ, cùng với sự quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa trong khuôn khổ quy định, sự chung tay, góp sức với các doanh nghiệp sẽ tiếp tục là động lực, là sức mạnh để ngành du lịch VN “cất cánh” vượt qua thử thách.

Khải Hoàn

Nguồn: baovanhoa.vn