logo
title

Phân khúc khách du lịch đường bộ quốc tế tại Quảng Ninh: Vẫn nằm trong tay “cai đầu dài” quốc tế

Cập nhật ngày: 24/02/2014
Thanh tra Sở VHTTDL Quảng Ninh ngày 8.2 đã ra quyết định tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong vòng 12 tháng và phạt 25 triệu đồng đối với Cty lữ hành Khang Thái (có trụ sở tại Hà Nội) vì tội “bỏ rơi” 77 du khách đường bộ Trung Quốc tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy (TP.Hạ Long) vào ngày mùng 4 Tết Giáp Ngọ. Quyết định là cần thiết, nhưng vẫn chỉ là “đánh rắn đằng đuôi” trước một thực trạng kinh doanh bát nháo đối với khách du lịch quốc tế đường bộ, vốn đã tồn tại quá lâu ở một trong những vùng trọng điểm du lịch của cả nước này.


Mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đường bộ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.

Việc 77 du khách trên bị “bỏ rơi” khiến họ buộc phải gọi cho cơ quan ngoại giao nước mình ở Hà Nội can thiệp, là hệ quả tất yếu của thực trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các Cty lữ hành trong nước  diễn ra suốt một thời gian dài, mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp. Ai đang thao túng phân khúc khách hàng quan trọng này – khách du lịch đường bộ quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái? Đó là một số Cty phía Trung Quốc (TQ), với sự tiếp tay của một số Cty lữ hành trong nước.

Thực tế, du khách TQ vẫn phải trả một khoản tiền khá lớn cho các Cty bên TQ để mua tour trọn gói sang VN. Tuy nhiên, các Cty này thường bán lại cho các Cty lữ hành VN với giá rất “bèo”: Khoảng 1.200.000 VND/ khách/tour 2-3 ngày-giá không đủ để mua một tour du lịch trong nước ngắn ngày hơn. Biết vậy, nhưng các Cty lữ hành trong nước không thể làm khác, bởi ai nhận đón khách với giá rẻ hơn sẽ được nhận làm đối tác dài hạn. Và từ đây, một cuộc cạnh tranh “đại hạ giá” giữa các Cty lữ hành trong nước diễn ra khốc liệt.

Để bù lại các khoản “đại hạ giá đó”, các Cty lữ hành trong nước buộc phải giảm chất lượng dịch vụ như đã cam kết. Không ít trường hợp hàng chục du khách bị nhồi nhét trên một chiếc xe quá tải. Suất ăn thường bị cắt giảm. Đây chỉ là một vài trong vô số cách các Cty trong nước làm để cắt giảm chi phí, bất chấp lời than phiền của du khách.

Không những vậy, nhiều đoàn khách hoàn toàn được giao cho hướng dẫn viên (HDV) theo cơ chế “mua đứt, bán đoạn”. Nghĩa là khách lại được “bán” một lần nữa, và HDV phải tùy cơ ứng biến như ép các nhà hàng, khách sạn... giảm giá dịch vụ, để ăn chênh lệch. Theo tính toán, với một tour quốc tế trọn gói 2-3 ngày dành cho khách đường bộ qua cửa khẩu Móng Cái, giá hợp lý là từ 2-2,2 triệu đồng/khách, vừa để đảm bảo chất lượng dịch vụ, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Năm 2013, lượng khách này vào Quảng Ninh đạt hơn 125.000 người. Tính ra, các Cty lữ hành trong nước mất hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Năm 2011, CLB Lữ hành Móng Cái ra đời, với sự tham gia của 27 đơn vị chuyên kinh doanh, hoạt động đón khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái, hy vọng lập lại trật tự. Tuy nhiên, tình hình vẫn không cải thiện nhiều, bởi một số vì lợi nhuận vẫn “xé rào” những cam kết khi tham gia CLB, trong khi các Cty không tham gia CLB tự do hoành hành. Phần thiệt vẫn thuộc về các đơn vị làm ăn chân chính, vì “giá rẻ quá không dám làm, sợ mất uy tín, còn đúng giá thì  đối tác làm ngơ”.

Đề xuất “Chỉ thành viên CLB mới được tham gia đón khách” xem ra có vẻ ổn để góp phần giải quyết tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhưng lại đang vướng luật. Đây cũng là một trong những nội dung trong Dự thảo “Quy chế về quản lý hoạt động lữ hành đón khách quốc tế qua cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đang được địa phương này hoàn thiện để trình trung ương.

Rõ ràng, thời gian qua, các cơ quan chức năng địa phương thực sự chưa vào cuộc quyết liệt, dẫu những lời than phiền của du khách về chất lượng dịch vụ, của những doanh nghiệp làm ăn chân chính về sự thiệt thòi trong cạnh tranh... đeo đẳng nhiều năm qua. Một số vụ vi phạm, nhưng các cơ quan chức năng đôi khi còn “đắn đo” suy tính trong việc xử phạt.

Việc xử Cty Khang Thái là đủ mạnh, đủ tính răn đe và kịp thời. Nhưng, liệu có phải kịp thời do báo chí vào cuộc... kịp thời?

Nguồn: Laodong.com.vn