logo
title

Doanh nghiệp du lịch: khéo co cho... ấm

Cập nhật ngày: 03/03/2014
Doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại cứ ít đi luôn là nỗi lo thường trực của những người đứng đầu các công ty du lịch trong những năm qua. Mỗi doanh nhân có cách lựa chọn để tối ưu hóa lợi nhuận và câu chuyện “khéo co thì ấm” vẫn tiếp tục trong năm 2014.

Cạnh tranh gay gắt

Trong buổi gặp cuối năm giữa Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với một số doanh nghiệp du lịch tiêu biểu của cả nước tại một khách sạn 5 sao ngay trung tâm TPHCM, ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Du lịch APEX, than rằng thị trường cạnh tranh quá khốc liệt, phải giảm giá dữ dội, phải sát giá khách mới đi. Nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch lại thấp hơn, rất nhiều người trước kia chỉ yêu cầu khách sạn 4-5 sao thì nay chuyển xuống tiêu chuẩn 2 sao, những dịch vụ khác cũng bị cắt giảm. Bởi vậy, rất khó để doanh nghiệp có lợi nhuận bằng những năm trước.

“Trong buổi nhận danh hiệu một trong 10 công ty lữ hành quốc tế đứng đầu của cả nước, khi thấy bảng điện tử thể hiện doanh thu, lợi nhuận trong năm, tôi đã không dám đứng đó vì lợi nhuận quá thấp. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và kéo thêm được 2.000 khách, toàn công ty phải vận động cật lực, giảm giá tối đa”, ông nói.

APEX - một công ty gần như đứng đầu thị trường khách Nhật Bản với 67.000 lượt khách trong năm 2013 - cho rằng lý do chính khiến lợi nhuận ngày càng giảm là giá đầu vào tăng, thị trường du lịch cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khiến các công ty du lịch phải tăng khuyến mãi, giảm giá... để giữ khách hàng.

Tạo nhu cầu mới

Trước tình hình này, những người điều hành công ty phải áp dụng rất nhiều cách để không bị thụt lùi và duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả. Thậm chí, có những công ty đã phải chuẩn bị từ nhiều năm trước cho giai đoạn cạnh tranh mới.

Trong số đó, tập đoàn Thiên Minh - công ty có thế mạnh về mảng du lịch mạo hiểm, trải nghiệm - là một ví dụ. Công ty đang chuẩn bị giữa năm nay đưa vào khai thác dịch vụ du lịch thủy phi cơ, đưa khách du lịch từ Hà Nội đến Hạ Long, từ TPHCM đến Phan Thiết, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc. Đây là lần đầu tiên du lịch Việt Nam có sản phẩm này.

Ông Trần Trọng Kiên, Giám đốc điều hành của tập đoàn Thiên Minh, cho rằng trong điều kiện hiện nay, nếu doanh nghiệp chỉ cung cấp những sản phẩm du lịch truyền thống thì sẽ có lợi nhuận rất thấp vì cạnh tranh quá lớn. Doanh nghiệp phải sáng tạo những dòng sản phẩm mới, những ngách mà công ty khác chưa khai thác, nói nôm na là “đi trước thị trường” để tạo nên nhu cầu du lịch mới.

“Để tạo sản phẩm mới, có sức hút phải tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, chấp nhận đầu tư trước thu hồi vốn sau. Chúng tôi phải mất đến sáu năm chuẩn bị để có dịch vụ thủy phi cơ”, ông Kiên nói.

Liên kết

Các công ty nhỏ có cách làm khác. Không chọn cách đi trước về sản phẩm, họ nghiêng sang hướng tiết kiệm, liên kết, đưa vào một số dịch vụ cộng thêm vào tour để cạnh tranh.

Hơn một tháng trước Tết Nguyên Đán, tám công ty du lịch gồm VietJet Tours, Viking Travel, Asian Travel, OSC First, Saigon Travel, Lạc Hồng Voyage, Việt Nam Travel và Việt Á Âu đã ngồi lại với nhau, thành lập một nhóm hợp tác để tìm giá dịch vụ tốt, bán tour tốt, cùng quảng cáo chung và tạo lịch trình khởi hành tour thống nhất nhằm thu hút khách du lịch cũng như giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.

Tám công ty du lịch này đều có trụ sở tại TPHCM, quy mô kinh doanh vừa phải nên không thể có số lượng khách đủ lớn để đàm phán được giá tốt với các đối tác hàng không, khách sạn... Nay, cả nhóm ngồi lại với nhau, tạo thành bó đũa lớn để “chiến đấu” trên thương trường. “Chúng tôi chọn những công ty vừa để cùng tận dụng lợi thế của nhau. Công ty nào được ưu đãi tour, dịch vụ nào thì các thành viên trong nhóm cũng có thể bán y như vậy”, bà Cao Phẩm Hằng, Giám đốc VietJet Tours, trưởng nhóm nói.

Đến nay, kế hoạch ban đầu của nhóm đã phần nào được thực hiện. Các thành viên đã bắt đầu bán những tour ưu đãi mà một trong những thành viên trong nhóm có được; mỗi thành viên được phân công phụ trách một mảng khác nhau như lo vé máy bay, lo dịch vụ; những mẩu quảng cáo chung cũng bắt đầu xuất hiện... Chỉ sau hơn hai tháng thành lập, đại diện một số cơ quan xúc tiến du lịch của Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã gặp nhóm này để bàn cách hỗ trợ tăng lượng khách.

“Chỉ tính riêng về khoản quảng cáo, năm nay, mỗi thành viên cũng tiết kiệm được chừng 100-200 triệu đồng”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, thành viên của nhóm nói.

Và cắt giảm chi phí

Không chọn cách liên kết như nhóm doanh nghiệp trên, Công ty Liên doanh Du lịch APEX áp dụng hàng loạt biện pháp để cắt giảm chi tiêu và tìm thị trường mới. Trước đây, công ty quan tâm đến lượng khách chung chung như khách phổ thông, phụ nữ hay thanh niên Nhật Bản thì nay thị trường được chia nhỏ hơn để tìm cách tiếp cận bằng sản phẩm, phương thức tiếp thị mới. Với khách là thanh niên, công ty nhắm đến đối tượng cụ thể là sinh viên, học sinh và những giáo viên trẻ có nhu cầu tìm hiểu, học tập tại Việt Nam.

“Mảng Việt Nam học đang được đẩy mạnh ở Nhật Bản nên nhu cầu của thị phần này đang tăng. Chúng tôi cố gắng thu hút họ”, ông Trấn nói.

Thêm vào đó, mọi chi tiêu trong công ty cũng được siết chặt. Chi phí thuê mặt bằng làm trụ sở công ty đã giảm được 50% nhờ chuyển về một trụ sở nhỏ hơn, ở con đường nhỏ hơn. Nhân sự ở các bàn bán tour tại các khách sạn được giảm bớt, những bộ phận phục vụ kỹ thuật, vé máy bay trước đây được thuê riêng chỗ ngoài trụ sở của công ty để làm việc nay được đưa về hết một mối.

“Chỉ riêng việc chuyển trụ sở sang nơi khác cũng giúp chúng tôi có thêm vài ngàn đô la Mỹ mỗi tháng. Mỗi khoản một ít sẽ giúp chúng tôi có thêm chi phí để duy trì thậm chí hy vọng tăng lợi nhuận”, ông Trấn nói.

Nguồn: thesaigontimes.vn