logo
title

Để doanh nghiệp du lịch không thua trên “sân nhà”

Cập nhật ngày: 10/03/2014
Thỏa thuận thừa nhận nghề du lịch ASEAN sẽ có hiệu lực vào năm 2015. Ngay lúc này đây, nếu như việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Du lịch chưa được đảm bảo, việc công nhận tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) chưa được đáp ứng, thì tương lai, khi sự cho phép dịch chuyển lao động trong ngành Du lịch khu vực ASEAN được thực hiện, các lao động trong ngành Du lịch Việt Nam sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị đào thải.

Thách thức

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) sẽ chính thức có hiệu lực trong cộng đồng kinh tế khối ASEAN bắt đầu từ tháng 5/2015. Đây là một trong những động lực quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn của du lịch cũng như trình độ kỹ năng nghề của lực lượng lao động du lịch trong khu vực. Tuy nhiên, một khi MRA-TP có hiệu lực, sẽ cho phép dịch chuyển lao động ngành Du lịch trong khu vực.

Chỉ còn hơn một năm nữa là MRA-TP có hiệu lực, thế nhưng Du lịch Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất những chương trình, tài liệu về kỹ năng nghề; các cơ sở đào tạo yếu và thiếu. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hoàng Thị Điệp cho biết: “Hiện nay, các nước trong ASEAN đều đang rất quan tâm và tích cực chuẩn bị cho MRA-TP. Đây không chỉ là một cơ hội, mà còn là thách thức đối với tiến trình hội nhập du lịch của Việt Nam đối với các nước trong khu vực”.



Sinh viên trường CĐDL Hà Nội tham gia Hội thi tay nghề ASEAN

Dưới cái nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường CĐDL Hà Nội không chỉ băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực, mà còn lo lắng cả về cơ chế trong đào tạo hiện tại. Ông cho rằng, đào tạo du lịch hiện nay, ngoài phải đảm bảo chương trình khung của Bộ chủ quản, còn phải chịu sự quản lý của Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Bộ Giáo dục & Đào tạo. Một khi MRA-TP có hiệu lực, nếu các bên liên quan không ngồi lại, đưa ra một cơ chế đặc thù thống nhất, thì việc đào tạo theo chuẩn ASEAN càng gặp nhiều rào cản.

Ông Phùng Quang Thắng – Trưởng phòng Đầu tư & Phát triển, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội thì cho rằng, khi MRA-TP có hiệu lực, việc dịch chuyển lao động trong khu vực sẽ được thực hiện, liệu đội ngũ hướng dẫn viên có nằm trong đối tượng này. Nếu không phải dịch chuyển, đội ngũ hướng dẫn viên sẽ không có nhiều động lực để nâng cao năng lực phục vụ. Và như thế, việc đào tạo nên đội ngũ hướng dẫn viên tương xứng với chuẩn khu vực sẽ rất khó. Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Vietrantour lại lo ngại khi MRA-TP có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) dễ bị chảy máu chất xám hơn nếu không đưa ra được các chính sách giữ chân nhân tài; đồng thời DN cũng bị giảm sức cạnh tranh trong khu vực do đội ngũ nhân viên đang sử dụng chưa đạt được tiêu chuẩn cần thiết.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, năm 2010, DLVN sử dụng 478.065 lao động trực tiếp, trong số đó chỉ có 287.319 lao động đã qua đào tạo (62.943 Đại học và trên đại học; 126.490 Cao đẳng và trung cấp; 97.886 được đào tạo khác). Một con số thống kê khác của ngành Du lịch cũng cho thấy, mỗi năm ngành cần khoảng 40.000 lao động đã qua đào tạo, trong khi lượng sinh viên tốt nghiệp các trường khỉ khoảng 15.000; chỉ 12% trong số đó được đào tạo đại học, cao đẳng. Những con số trên không chỉ cảnh báo toàn ngành về sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động, mà còn cảnh báo những người lao động đang làm việc trong ngành, nếu không biết tự nâng cao năng lực, trình độ của bản thân, thì nguy cơ bị đào thải khi MRA-TP có hiệu lực là khó tránh.

Chuyên gia dự án EU Trần Văn Thắng cảnh báo: “Nguy cơ bị cạnh tranh nhân lực, người lao động nếu không đáp ứng được yêu cầu, có thể không xin được việc làm. Các cơ sở đào tạo nếu không theo kịp sự phát triển, sẽ dẫn đến tình trạng sinh viên du lịch tốt nghiệp càng khó xin được việc, dẫn tới giảm sút nhu cầu đào tạo du lịch trong nước. Nguy cơ chảy máu đào tạo ra nước ngoài trong ngành Du lịch là rất cao. Các doanh nghiệp du lịch có thể phải tốn nhiều tiền hơn để thuê nhân công nước ngoài hơn do lực lượng lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch”.

Nâng cao đào tạo, đổi mới cơ chế

Có thể nói, ViệtNamđã có những bước chuẩn bị tích cực cho tiến trình hội nhập, khi mà MRA-TP Asean có hiệu lực. Với sự hỗ trợ của Dự án EU, TCDL Việt Nam đã xây dựng cuốn “Sổ tay hướng dẫn Thực hiện MRA-TP” và đã được thông qua trong Phiên họp các Bộ trưởng Du lịch ASEAN diễn ra tại Vientiane (Lào) vào đầu năm 2013. Hiện nay, cuốn sổ tay này đã được phân phối đến toàn bộ các nước thành viên ASEAN.

Theo bà Hoàng Thị Điệp, những thông tin hữu ích dành cho lĩnh vực đào tạo nghề du lịch trong sổ tay hướng dẫn sẽ giúp các cơ sở, hiệp hội và DN có những định hướng, bước đi phù hợp trong lộ trình hội nhập khu vực. TCDL cũng đã tổ chức các hội thảo hướng dẫn thực hiện MRA-TP tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong năm 2013; trong năm 2014, TCDL cũng sẽ triển khai các chương trình đào tạo Đào tạo viên và Thẩm định viên tiêu chuẩn ASEAN về nghiệp vụ buồng; đồng thời, khi bộ khung công cụ đào tạo các đào tạo viên, thẩm định viên các nghiệp vụ khác được hoàn thiện cũng sẽ triển khai đào tạo cho các nước ASEAN và Việt Nam. Mặt khác, Bộ VHTTDL cũng đã giao cho Vụ Đào tạo lấy ý kiến các Bộ, Ngành lần cuối trước khi ban hành bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia.

Chuyên gia dự án EU Trần Văn Thắng nhấn mạnh: “Cần sớm có một bộ tiêu chuẩn nghề chung phù hợp với các tiêu chuẩn ASEAN để áp dụng tại các cơ sở đào tạo trên cả nước và tại các DN, để đảm bảo người lao động đáp ứng được trình độ tay nghề đồng đều. Đồng thời sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để chuyển đổi Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch (VTCB) thành Trung tâm thẩm định và cấp chứng chỉ nghề du lịch (VTAC) để vận hành hệ thống tiêu chuẩn, đăng ký và dịch chuyển lao động du lịch”. Trưởng phòng Đầu tư & Phát triển, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng cũng kiến nghị việc cấp thẻ hướng dẫn viên tương lai phải được VTCB thẩm định trên cơ sở chuẩn nghề ASEAN về hướng dẫn viên du lịch.

Phước Hà

Nguồn: baodulich.net.vn