logo
title

Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch

Cập nhật ngày: 31/03/2014
Trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2014, lĩnh vực du lịch không nằm ngoài sự quan tâm từ chính quyền TP Đà Nẵng. Nhiều người gọi hình tượng đây là “hà hơi, thổi ngạt”, tức là tiếp sức và tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư và phát triển du lịch. Tuy vậy, gắn liền với những lối mở, sự tiếp sức thì bản thân doanh nghiệp cũng phải phát huy nội lực, khẳng định được sức đề kháng của mình. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương tại buổi kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình hoạt động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” của Sở VH-TT&DL.

THÁO GỠ NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo ông Ngô Quang Vinh – Giám đốc Sở VH-TT&DL, ngay sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 1136/QĐ-UBND về chương trình hoạt động “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Sở đã lấy ý kiến của Hiệp hội Du lịch, Hội Lữ hành, Hội Khách sạn để đề ra 8 nội dung hoạt động hướng đến mục đích hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Vào ngày mai (19-3), 41 doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu, đã có những đóng góp hiệu quả cho thành phố trong lĩnh vực du lịch sẽ được tôn vinh.

Tiếp đến, trong chiến dịch xúc tiến du lịch, vào cuối tháng 3 này, đoàn Famtrip MICE là các đơn vị lữ hành, thông tấn báo chí từ hai đầu đất nước sẽ đến Đà Nẵng để tham quan, hợp tác trao đổi sản phẩm du lịch với các đối tác tại đây. Vào đầu tháng 4, các Hiệp hội Du lịch, Lữ hành của Đà Nẵng sẽ Bắc tiến để tăng cường công tác quảng bá sản phẩm của mình tại thị trường Hà Nội.

Một sự kiện đang được các doanh nghiệp du lịch chờ đợi là chương trình đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp sẽ được ngành chức năng và chính quyền thành phố tổ chức ngay trong quý II.

Trong chương trình phát triển du lịch biển, Sở VH-TT&DL sẽ khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch. Cụ thể nhất là đã hoàn chỉnh dự thảo Quyết định của UBND TP về các chính sách phát triển du lịch đường sông.

Đơn vị này cũng tham mưu, đề xuất chính quyền thành phố hỗ trợ Cty CP DHC về các thủ tục đầu tư cầu cảng và bến du thuyền “Đà Nẵng – Marine” tại khu vực phía Bắc cầu Rồng đồng thời hoàn thiện thủ tục đăng ký Câu lạc bộ Du thuyền thể thao để Cty được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo Nghị định 69/2008/NĐ-CP.

Hiện tại, dự án này đang hoàn thành thủ tục để khởi công vào ngày 25-4 tới và dự kiến đưa vào hoạt động sau 3 tháng. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiến hành rà soát lại các hồ sơ pháp lý của các tàu thuyền đang hoạt động du lịch đường sông, đồng thời kiểm tra an toàn phương tiện trong quá trình phục vụ khách du lịch vào mùa hè.

Cũng trong năm 2014 này, các cơ quan chức năng sẽ hoàn chỉnh Quy chế Quản lý hoạt động dịch vụ du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố để trình UBND TP ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch đường thủy trên địa bàn.

Du lịch Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh với việc được quan tâm hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng. Trong ảnh: Khách du lịch dạo phố bằng xích lô trên đường Bạch Đằng.

 

CÔNG KHAI QUỸ ĐẤT, ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC

Hiện tại, UBND TP đã phê duyệt việc cấp kinh phí để Sở VH-TT&DL triển khai kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch năm 2014. Đồng chí Võ Duy Khương chỉ đạo, Sở phải có kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ bằng cách nâng cao tay nghề, có quy hoạch bài bản và chuyên môn hóa.

Cho dù lĩnh vực du lịch đã có những đột phá trong những năm gần đây nhưng hiện tại nguồn nhân lực “vừa thiếu về con người lại vừa yếu về phong cách phục vụ”, đồng chí Võ Duy Khương nói.

Về đề xuất hỗ trợ giảm 20% giá nước đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, theo Phó Chủ tịch Thường trực thành phố cũng như các đơn vị liên quan là chưa thể thực hiện vì hiện tại giá nước của Đà Nẵng đã nằm trong top thấp nhất của cả nước rồi, nếu giảm cho doanh nghiệp thì người dân phải “gánh” thêm.

Một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư vào lĩnh vực du lịch, theo ông Ngô Quang Vinh, đó là việc công khai quỹ đất chưa được thực hiện triệt để cũng như các thủ tục hành chính đôi lúc còn rườm rà.

Đồng chí Võ Duy Khương cũng chỉ đạo các Sở Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên Môi trường sắp tới rà soát lại quỹ đất và công khai quy hoạch để người dân và nhà đầu tư được biết. “Phải công khai lên để cho bàn dân thiên hạ biết ở đâu còn đất, quy hoạch cho lĩnh vực nào. Mặt khác, đừng để các nhà đầu tư phải “tối mắt tối mũi” vì khâu làm thủ tục”, đồng chí Võ Duy Khương nhấn mạnh. Về phản ánh mỗi năm doanh nghiệp phải chịu nhiều đợt thanh tra, đồng chí Võ Duy Khương cho rằng phải tiến tới thanh tra liên ngành hoặc mỗi năm chỉ thanh tra chuyên ngành một lần theo từng lĩnh vực để tránh phiền hà cho doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp đã kiểm toán rồi thì không thanh tra nữa. “Thanh tra ít lại nhưng đơn vị nào vi phạm sẽ xử lý mạnh tay hơn. Riêng lĩnh vực thuế thì phải làm chặt để tránh việc trốn, lách, gây thất thoát ngân sách”.

Ngoài việc sẽ giảm giá thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch khả thi, giảm giá quảng cáo, miễn phí không gian quảng cáo trên phướn, băng rôn cho các sự kiện liên quan đến văn hóa, lữ hành, khách sạn, điểm du lịch, nhà hàng..., đồng chí Võ Duy Khương cũng thống nhất hỗ trợ kinh phí đối với 8 tàu du lịch bị thiệt hại do chìm và mắc cạn trong cơn bão số 11 năm 2013.

 

Nguồn: cand.com.vn