logo
title

Cơ hội phát triển ngành Du lịch

Cập nhật ngày: 03/04/2014
Trở về sau hội nghị “Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP. Cần Thơ”, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết:

Ngày 17-3, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị “Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP. Cần Thơ”. Tại đây, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, trong đó có Khánh Hòa với các hãng hàng không gồm: VietnamAirlines, VietJet Air để xúc tiến nghiên cứu mở đường bay từ Cần Thơ đi đến các địa phương trên và ngược lại.

- Xin ông cho biết, nội dung chính của hội nghị “Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP. Cần Thơ” vừa diễn ra?

- Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có dân số khoảng 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế trọng điểm, cửa ngõ giao thương với những vùng kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực ASEAN. TP. Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL. Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cần Thơ - cửa ngõ đến các tỉnh, thành trong khu vực - được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có năng lực phục vụ từ 3 đến 5 triệu lượt khách/năm và có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn. Tuy nhiên, hoạt động của cảng hàng không này chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Các chuyến bay trong và ngoài nước chưa đa dạng. Lượng khách đến và đi từ đây vẫn còn ít so với thiết kế. Từ thực trạng trên, hội nghị “Xúc tiến mở các tuyến hàng không đến TP. Cần Thơ” đã tiến hành đánh giá về hoạt động thực tiễn của Cảng HKQT Cần Thơ. Từ đó, đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn để xúc tiến mở các chuyến bay trong nước và quốc tế đến đây, trong đó có việc xúc tiến mở đường bay từ Cần Thơ đến Cam Ranh. 

- Dự kiến đến thời điểm nào thì đường bay thẳng Cần Thơ - Cam Ranh chính thức đi vào hoạt động, thưa ông?

- Trong hội nghị này, các địa phương, ban, ngành, hãng hàng không đã cùng nhau ký biên bản ghi nhớ về việc tăng cường khai thác các đường bay đi, đến Cảng HKQT Cần Thơ. Theo đó, các bên liên quan sẽ thực hiện những nội dung công việc cụ thể. Dự kiến, đường bay thẳng Cần Thơ - Cam Ranh và ngược lại sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2014.

- Ông đánh giá thế nào về lợi ích của đường bay thẳng Cần Thơ - Cam Ranh đối với hoạt động du lịch của hai địa phương?

- Với vị trí cửa ngõ của vùng ĐBSCL, việc mở tuyến bay thẳng Cần Thơ - Cam Ranh và ngược lại sẽ mở ra cơ hội rất tốt đối với hoạt động du lịch. Có đường bay Cam Ranh - Cần Thơ, khách du lịch từ Nha Trang - Khánh Hòa không chỉ đến Cần Thơ mà còn đến cả 13 tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Ngược lại, đường bay Cần Thơ - Cam Ranh sẽ là cơ hội rất tốt cho du khách trong khu vực ĐBSCL đến với du lịch biển của Nha Trang - Khánh Hòa. Qua đó, tăng cường kết nối các dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa giữa vùng ĐBSCL với Khánh Hòa; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong vùng thực hiện các dự án ở Khánh Hòa. Người dân Khánh Hòa thích khám phá du lịch sông nước miệt vườn của miền Tây Nam bộ; ngược lại, người miền Tây cũng rất thích du lịch biển, nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Đường bay này sẽ góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho khách du lịch. Vì vậy, ký kết hợp tác là rất cần thiết nhằm hỗ trợ nhau phát triển kinh tế - xã hội.

- Vậy, để chuẩn bị cho việc đón các chuyến bay từ Cần Thơ đến Cam Ranh và ngược lại, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

- Từ nay đến cuối năm, dự kiến, lượng khách trong và ngoài nước đến Cảng HKQT Cam Ranh sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong khi đó, hiện trạng hoạt động của Cảng có những thời điểm bị quá tải. Chính vì thế, để làm tốt nhiệm vụ đón tiếp hành khách, chúng ta cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở Cảng HKQT Cam Ranh. Cụ thể, sẽ tiến hành xây dựng đường băng số 2 với tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; xây dựng giai đoạn 1 Trạm Công an cửa khẩu tại Cảng với tổng mức đầu tư dự kiến 10 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác xúc tiến mở các tour, tuyến du lịch mới cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách miền Tây là việc làm cần thiết.

Nguồn: baokhanhhoa.com.vn