logo
title

Nhân lực ngành du lịch: Đáp ứng nhu cầu phát triển

Cập nhật ngày: 05/08/2014
Ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ từ nhà nước, khối doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành du lịch cũng thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động. Nhờ đó, chuyên môn, tay nghề của nguồn nhân lực ngành du lịch BR-VT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng chuyên nghiệp.

Ông Đinh Văn Thắng, phụ trách khối inbound Vietravel cho biết, hàng năm, Vietravel tổ chức nhiều tour đưa khách về BR-VT du lịch, nghỉ dưỡng. Sau chuyến du lịch, hầu hết khách hàng đều bày tỏ sự hài lòng về chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử linh hoạt… của đội ngũ nhân viên tại các cơ sở lưu trú. Còn ông Nguyễn Văn Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) chia sẻ, ông đã đi nhiều tỉnh, thành tổ chức các lớp huấn luyện, thi tay nghề và thấy rằng mặt bằng tay nghề của nhân lực du lịch BR-VT khá đồng đều, thể hiện được sự chuyên nghiệp trong đón tiếp, phục vụ khách. “Độ tuổi lao động trong ngành còn rất trẻ, nhưng họ đã thể hiện tình yêu nghề, bản lĩnh, tự tin, vốn tiếng Anh tốt. Đây là tiền đề vững chắc cho du lịch BR-VT phát triển”, ông Lưu nói.

Để có được đội ngũ nhân lực dồi dào và ngày càng chuyên nghiệp cho ngành du lịch như hiện nay, không chỉ ngành du lịch mà bản thân các DN du lịch cũng thường xuyên đào đạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, tay nghề cho người lao động. Từ năm 2004, Sở Du lịch (nay là Sở VHTTDL) đã xây dựng đề án hỗ trợ DN trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý và kỹ thuật nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên ngành du lịch. Sau đó, tùy thuộc nhu cầu và xu hướng chung của thị trường, mỗi năm Sở VHTTDL đều phối hợp với trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu, Ban quản lý các khu du lịch địa phương, các hội nghề nghiệp… mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động ngành du lịch tại các địa phương và DN du lịch… Đặc biệt, chương trình giảng dạy của trường Cao đẳng nghề Du lịch Vũng Tàu cũng được điều chỉnh theo hướng sát hơn với thực tế, tăng cường ngoại ngữ và giảng dạy nghề theo tiêu chuẩn nghề quốc tế để sinh viên có đủ kỹ năng làm việc khi ra trường.

Về phía các DN du lịch trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam), Công ty CP Du lịch tỉnh (Vungtau Tourist), Công ty CP Du lịch và Thương mại DIC (DIC T&T), khách sạn Mỹ Lệ, khách sạn Green, Hồ Tràm Strip… cũng chung tay cùng ngành du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng các chương trình cụ thể như: Áp dụng hệ thống quản lý ISO và tiêu chuẩn VTOS trong quản lý và phục vụ khách hàng; thực hiện việc đào tạo mới, đào tạo lại, tổ chức các cuộc thi tay nghề, đưa nhân viên tham gia các cuộc thi nâng cao nghiệp vụ trong nước…

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sở đang thống kê, phân loại, đánh giá toàn diện hiện trạng nguồn nhân lực du lịch. Từ đó, sở sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành theo hướng phù hợp với từng giai đoạn. Bên cạnh đó, sở cũng duy trì bồi dưỡng định kỳ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý nhà nước làm công tác du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các di tích.

Năm 1997, toàn tỉnh có gần 5.847 lao động ngành du lịch, đến năm 2007 là 7.232 người và năm 2013 con số này tăng gần 2,5 lần, đạt hơn 16 ngàn lao động.

Từ nay đến cuối năm 2014, Sở VHTTDL sẽ tổ chức 4 lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên tại các điểm tham quan du lịch (trong đó 2 lớp tại huyện Côn Đảo, 1 lớp tại TP. Vũng Tàu). Ngoài ra, Sở VHTTDL sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và 1 lớp đào tạo tiếng Nga cho cán bộ, lao động trong ngành du lịch.

Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu