Các chuyến famtrip do Sở VHTTDL Quảng Nam tổ chức đã giúp nhiều doanh nghiệp lữ hành tiếp cận được tiềm năng du lịch tại các địa phương nhằm xây dựng chương trình đưa khách đến.
Tín hiệu tốt
Nhận xét của đa số doanh nghiệp khi tham gia các chuyến famtrip đều cho rằng tiềm năng du lịch Quảng Nam còn khá phong phú. Ngoài một số tuyến điểm đã được đưa vào khai thác như hồ Phú Ninh; Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang); Za Ra (Nam Giang)… hầu hết tuyến điểm trên địa bàn tỉnh đều có triển vọng. “Với những điểm đến tại Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành tôi nghĩ có thể xây dựng được tour 2 ngày 1 đêm dành cho khách nội địa, nhất là khách tại thị trường Đà Nẵng”- ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Saigontourist khẳng định.
Thực tế, ngay sau chuyến khảo sát tiềm năng du lịch phía nam, một số doanh nghiệp lữ hành đã bắt tay vào xây dựng chương trình bán tour, hiện thực hóa cam kết đưa khách đến khai phá “vùng đất mới”. Như Công ty Vietran Tour (Đà Nẵng) với đoàn khách 20 người cùng hành trình tham quan 2 ngày 1 đêm về các điểm di tích lịch sử, danh thắng Tam Kỳ và huyện Phú Ninh qua các điểm tháp Chiên Đàn, Văn thánh Khổng Miếu, địa đạo Kỳ Anh, biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh… trước khi tiếp tục vào Núi Thành tham quan Bàn Than, Tam Hải. Ngoài ra, một số công ty khác như Vitour, Việt Đà cũng đã bắt đầu triển khai xây dựng chương trình chào khách. Tuy nhiên, triển vọng nhất phải kể đến Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Lê Nguyễn (Hội An). Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty Lê Nguyễn, qua chuyến khảo sát tại Tiên Phước, Bắc Trà My đã giúp ông hình thành lên ý tưởng xây dựng tour du lịch trải nghiệm văn hóa hấp dẫn chào bán khách, nhất là các sinh viên, học sinh nước ngoài. “Tháng 9 này Công ty Lê Nguyễn sẽ đưa khoảng 90 sinh viên quốc tế lên Tiên Phước, Trà My. Tôi nghĩ rằng, những điểm đến như Lò Thung, thủy điện Sông Tranh sẽ mang đến cho khách sự hấp dẫn mới lạ”- ông Vĩnh tiết lộ. Một số doanh nghiệp du lịch có văn phòng tại Đà Nẵng như APEX Việt Nam, Vi Top, Indochina Travel… cũng đang hình thành ý tưởng mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Tiềm năng nhiều nhưng chất lượng hạ tầng giao thông, lưu trú, nguồn nhân lực tại chỗ cũng làm các doanh nghiệp băn khoăn. “Chỉ cần quy hoạch quảng bá đồng bộ, chuyên nghiệp và xây dựng thêm vài sản phẩm đặc trưng là có thể tạo nên một điểm đến hoàn chỉnh” - lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch góp ý. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho rằng, đây cũng chính là những vấn đề tồn tại của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, qua khảo sát, sở mong muốn doanh nghiệp có những đánh giá, góp ý và cam kết cụ thể để biến tiềm năng du lịch địa phương thành những sản phẩm thực thụ. “Chỉ cần 1 đến 2 doanh nghiệp đưa khách đến sau khi kết thúc khảo sát là thành công rồi”- ông Hài kỳ vọng.
Để hiện thực hóa mong ước trên, ngay sau chuyến khảo sát phía nam Sở VHTTDL Quảng Nam đã đề ra cơ chế khuyến khích dành cho những doanh nghiệp lữ hành đầu tiên đưa khách đến gồm miễn vé, giảm giá dịch vụ lưu trú, ăn uống… tại tất cả điểm tham quan phía nam (Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh) như là liệu pháp động viên đơn vị du lịch mở tour về vùng đất mới. Đặc biệt, thông qua những ý kiến đóng góp của đại diện doanh nghiệp sau mỗi chuyến khảo sát đều được tập hợp lại làm căn cứ thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển điểm đến sau đó phản hồi lại doanh nghiệp, giúp các công ty du lịch nắm bắt thông tin kịp thời. “Từ khảo sát, giới thiệu tiềm năng đến hoàn chỉnh dịch vụ, sản phẩm du lịch là quá trình lâu dài đòi hỏi không chỉ ngành du lịch mà các địa phương cũng phải nỗ lực mạnh mẽ mới có thể thành công được” - ông Hài nhìn nhận.