logo
title

Thừa Thiên - Huế xây dựng nhiều chương trình để thu hút khách

Cập nhật ngày: 08/09/2014
Để khẳng định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã quyết liệt vào cuộc với sự phối kết hợp với nhiều đơn vị liên quan để xây dựng nhiều chương trình tour, tuyến hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Những tháng cuối năm 2014, du lịch Thừa Thiên - Huế dự báo sẽ chịu nhiều tác động của thời tiết mùa mưa bão, những diễn biến trên biển Đông, bất ổn chính trị ở Thái Lan… sẽ gây giảm sút về lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên - Huế. Để tháo gỡ những khó khăn, vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) đã phối hợp với Hiệp hội khách sạn Thừa Thiên - Huế, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế và 5 đơn vị lữ hành (Vietravel chi nhánh Huế, Huetourist, Công ty du lịch HG Huế, Công ty cổ phần đạo tạo và dịch vụ du lịch Huế và Công ty du lịch bạn đường châu Á) đưa ra gói kích cầu du lịch 6 tháng cuối năm 2014 và những năm tiếp theo. Chương trình có tên gọi “Huế xưa và nay” với 3 điểm đến: Xứ Huế sắc thu và hóa thân làm nghệ nhân (3 ngày 2 đêm); Khám phá Bạch Mã (3 ngày 2 đêm); Nghỉ dưỡng khoáng nóng ALBA (Thanh Tân) (3 ngày 2 đêm), các điểm đến này cùng đồng giá là 1.999.000đ (giảm gần 50% so với mức giá bình thường) với các dịch vụ xe đưa đón, ở khách sạn 4 sao, vé tham quan, hướng dẫn viên, bảo hiểm… Thời gian đưa vào khai thác các gói kích cầu trên vào các mùa thấp điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế và kéo dài trong 3 năm (2014 – 2016).

Ông Lê Hữu Minh- Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay sở quyết tâm đứng ra làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị du lịch, dịch vụ, vận chuyển, các đơn vị lữ hành cùng ngồi lại với nhau xây dựng gói kích cầu đồng bộ hơn, toàn diện hơn. Điều quan trọng để chương trình thực hiện được là phải chú trọng đến khâu xúc tiến quảng bá, truyền thông. Đồng thời dựa trên các mối liên kết với các địa phương trong và ngoài nước như tổ chức các đoàn khảo sát ở Tây Nam bộ, hội chợ thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản, Hàn Quốc…, qua các kênh này sẽ tiến hành đồng loạt để giới thiệu về gói kích cầu này, tuy không dài nhưng thời gian 3 năm hy vọng sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho du lịch Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh sự vào cuộc của các ban ngành thì các đơn vị lữ hành cũng tích cực tạo ra những hướng đi riêng cho mình. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế vừa đưa ra “Tháng vàng du lịch tại khu di sản Huế” với nhiều dịch vụ và  khuyến mãi được áp dụng cho du khách tham quan tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế như: mua vé tham quan 3 điểm (Hoàng Cung, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng) được miễn vé tham quan các điểm di tích còn lại (bao gồm lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và điện Hòn Chén)…

Ngoài du lịch di sản, hiện nay các đơn vị lữ hành cũng xây dựng nhiều chương trình du lịch về với cộng đồng, thiên nhiên và du lịch trách nhiệm. Đi tiên phong trong lĩnh vực này phải kể đến Công ty Du lịch Việt Nam Hà Nội chi nhánh Huế (Huetourist). Hiện nay, ngoài các tour tuyến truyền thống như con đường di sản miền Trung, ba địa phương một điểm đến Huế - Đà Nẵng - Hội An… thì đơn vị này đã xây dựng 7 tour về với cộng đồng như: chiều trên phá Tam Giang, về với hương Thanh trà phường Thủy Biều, cầu ngói Thanh Toàn, về với làng Sình hay làng cổ Phước Tích hay lên A Roàng - A Lưới, Nam Đông. Các tour này ngoài việc du khách về với thiên nhiên, với con người bản địa thì du khách cũng có thể ở lại tại các nhà dân (homestay) để biết được cuộc sống thường ngày cũng như những tập quán văn hóa phong phú tại địa phương.

Với nhiều chương trình dài hơi của ngành du lịch, hy vọng rằng du lịch Huế sẽ tạo được “cú hích” để ngành du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Nguồn: Báo Công Thương