Đã 15 năm qua kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1/9/1999), vẫn còn nhiều việc cần làm để khu đền tháp Mỹ Sơn phát huy hiệu quả trong khai thác, phát triển du lịch, xứng tầm là một Di sản văn hóa của nhân loại.
Đẩy mạnh bảo tồn, phục hồi di tích
Ông Nguyễn Công Hường - Trưởng Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn (Quảng Nam) khẳng định: Chính việc thúc đẩy hiệu quả công tác bảo tồn di sản gắn với hợp tác quốc tế sâu rộng đã góp phần để Mỹ Sơn tồn tại và phát huy các giá trị tốt đẹp như ngày nay. Trong đó, thông qua sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như: Lerici, ILO, MAG, JICA, hãng hàng không ASIANA, Văn phòng UNESCO Hà Nội và chính phủ một số nước: Italia, Ấn Độ, Nhật Bản…, rất nhiều hạng mục, công trình tại Khu đền tháp này đã từng bước được phục dựng, trùng tu.
Đặc biệt, 2 dự án lớn quan trọng là: Dự án xây dựng Nhà trưng bày Mỹ Sơn (do Chính phủ Nhật Bản viện trợ) và Dự án Trùng tu bảo tồn nhóm tháp G (do Chính phủ Italia viện trợ) với nguồn kinh phí lên đến vài triệu USD, không chỉ giúp Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn khôi phục lại diện mạo di tích mà còn tạo điều kiện để triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản. Trong đó, thành công của Dự án Trùng tu nhóm tháp G là một tiền đề khoa học quý báu để Mỹ Sơn tiếp tục triển khai Dự án bảo tồn tu bổ các nhóm tháp E, A cũng như nhiều di tích đền tháp khác tại Quảng Nam và miền Trung trong tương lai.
Ngoài ra, việc trao đổi, hợp tác, học hỏi lẫn nhau thường xuyên với ban quản lý các di sản khác như: Cố đô Huế, Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), Di sản văn hóa thế giới Vatphou (Lào)… cũng đã giúp Mỹ Sơn dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin, kiến thức mới trong công tác bảo tồn di sản của khu vực và thế giới.
Đi liền với công tác bảo tồn, việc đầu tư xây dựng hạ tầng, đường sá cũng được chú trọng với việc nâng cấp, xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch như: Nhà đón tiếp, biểu diễn, nhà bán hàng lưu niệm, bãi xe… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Riêng năm 2014, hơn 5,4 tỷ đồng đã được đầu tư sửa chữa, xây mới nhà làm việc, nhà biểu diễn và công trình vệ sinh tại khu vực bên ngoài di tích.
Ngoài ra, một công trình mang tính dân sinh nổi bật nhất kể từ sau khi Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa Thế giới chính là nâng cấp hệ thống giao thông kết nối từ Nam Phước đến Mỹ Sơn năm 2007 (chiều dài khoảng 27km, kinh phí 169 tỷ đồng), tạo điều kiện quan trọng để thúc đẩy du lịch di sản phát triển, góp phần nâng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng năm từ 20 – 40% (năm 2013, đón gần 230 ngàn lượt khách, doanh thu hơn 21 tỉ đồng).
Cùng với đó là việc phục hồi các giá trị văn hóa Champa, hình thành đội múa Chăm (2003); phối hợp với ngành giáo dục huyện đưa chương trình Giáo dục di sản vào trường học (2004); mở tuyến điểm mới (Hòn Đền, Thạch Bàn; đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng lên cả về chất và lượng. “Năm 1995, khi Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn được thành lập chỉ có 6 người với 3 đảng viên, thì nay, con số đó đã lên gần 80 người với 34 đảng viên. Điều này đã thể hiện sự lớn mạnh không ngừng của Mỹ Sơn trong thời gian qua” - ông Nguyễn Công Hường chia sẻ.
Ghi nhận những đóng góp của Mỹ Sơn, ông Nguyễn Chín - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Thông qua công tác thúc đẩy hợp tác trùng tu, bảo tồn Di tích Mỹ Sơn, bản thân các cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ làm công tác này tại Mỹ Sơn nói riêng và ở các di tích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung, trong đó có Hội An đã học tập, tiếp thu nhiều kỹ thuật, phương pháp khoa học và kỹ năng chuyên môn trong bảo quản, trùng tu, tôn tạo, quản lý di tích. Đồng thời, từ khả năng làm “sống lại” di tích Mỹ Sơn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế cũng như các nước đối tác hỗ trợ, giúp đỡ, đến nay, khu di tích này luôn đón nhận rất đông du khách đến tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, nhất là các đoàn khách quốc tế.
Cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng giao thông
Những kết quả mà Mỹ Sơn đã đạt được trong 15 năm qua cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, góp phần làm sống lại những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của một nền văn minh đã từng tồn tại trong quá khứ. Đặc biệt, ngày nay, Mỹ Sơn không chỉ được xem là kho tàng với những tuyệt tác kiến trúc, những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà còn chứa đựng trong nó những kiến thức khoa học về vật liệu, kỹ thuật xây dựng đã được nghiên cứu, đúc kết từ nhiều trường phái khoa học và trong khoảng thời gian dài.
Theo Kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc, Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - người đã có hơn 10 năm tham gia trực tiếp các dự án bảo tồn tại Mỹ Sơn: Một trong những thành công của Mỹ Sơn chính là sự đột phá trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đúng nguyên tắc vào công tác bảo tồn và đã được thực tế chấp nhận.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều đã hoàn hảo. Việc bảo tồn và phát triển Mỹ Sơn cũng đang đối diện với không ít yếu tố tác động cần được giải quyết, hoàn thiện như: Cơ chế quản lý; trình độ của cán bộ, nhân viên còn hạn chế; khó khăn về nguồn vốn đầu tư; sản phẩm du lịch đơn điệu…
Để xây dựng Mỹ Sơn xứng tầm là một Di sản văn hóa thế giới, điều cần thiết trước hết là phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, cán bộ nơi đây. Trong đó, việc nắm bắt những kiến thức khoa học - công nghệ về quản lý hồ sơ di tích và công tác thuyết minh, trình độ ngoại ngữ… là rất cần thiết.
"Vấn đề đáng quan tâm nữa của Mỹ Sơn hiện nay không chỉ là chất lượng nguồn nhân lực hay cơ chế quản lý, mà còn là hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Vì vậy, ngoài việc nâng tầm Ban Quản lý để tạo thêm quyền hạn và chức năng tương xứng với một di sản văn hóa thế giới thì Mỹ Sơn cần có sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp bên ngoài để hình thành nên các khu du lịch vệ tinh xung quanh. Đặc biệt, cần nâng cấp con đường từ cầu Khe Thẻ vào tháp; phê duyệt hồ sơ tu bổ các đền tháp như B3, F1 hoặc nhóm C,D …" - ông Nguyễn Công Hường - Trưởng Ban quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn bày tỏ ./.