logo
title

Hội thảo về hỗ trợ quản lý điểm đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Lào Cai

Cập nhật ngày: 31/10/2014
(TITC) – Nhằm triển khai chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2014, ngày 28/10/2014, tại thị trấn Sa Pa (Lào Cai), Ban Quản lý Dự án EU phối hợp với Sở VHTTDL Lào Cai tổ chức Hội thảo về hỗ trợ quản lý điểm đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

Tham dự hội thảo có ông Trần Hữu Sơn – Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai; ông Hoàng Văn Tuyên – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai; ông Vũ Quốc Trí – Giám đốc Dự án EU; bà Mary McKeon – Trưởng nhóm chuyên gia quốc tế Dự án EU; ông Robert Travers – Chuyên gia Quản lý và phát triển điếm đến Dự án EU; đại diện một số Vụ chức năng và đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch và một số doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội, Lào Cai.


Ông Trần Hữu Sơn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ của Dự án EU đối với 8 tỉnh Tây Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng trong công tác truyền thông, quản lý và tập huấn, đặc biệt là cung cấp bộ công cụ tập huấn về du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, ông hi vọng sự hỗ trợ của Dự án EU sẽ đi sâu vào cuộc sống của người dân và mang lại nhiều hiệu quả hơn nữa.


Toàn cảnh hội thảo

Dự án hỗ trợ quản lý điểm đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (bao gồm Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu và Lào Cai) nhằm hỗ trợ hình thành Ban quản lý điểm đến vùng với hai nhiệm vụ chính là xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch vùng mang tính cạnh tranh, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá về du lịch.

Đến nay, Dự án EU đã hỗ trợ 8 tỉnh Tây Bắc trong các lĩnh vực bao gồm: Hình thành tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; Cải thiện quan hệ đối thoại công – tư; Phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; Quảng bá điểm đến vùng; Đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực.


Bà Mary McKeon phát biểu tại hội thảo

Theo bà Mary McKeon, các hoạt động hỗ trợ quản lý điểm đến của Dự án EU được thực hiện tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, 3 địa phương Duyên hải miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế) và 3 địa phương Đồng bằng Sông Cửu Long (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang). Đối tượng tham gia bao gồm cộng đồng địa phương, du khách, khối nhà nước và khối tư nhân. Thông qua tăng cường thể chế và hỗ trợ chính sách, tổ chức quản lý điểm đến sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư và tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Trong thời gian tới, về một số hoạt động cụ thể, Dự án EU sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả điều tra nhu cầu du khách tại Sa Pa, mời tổ thường trực tham dự Hội nghị thường niên về du lịch có trách nhiệm của Dự án EU tại TP. Hồ Chí Minh, tham dự Hội nghị tổng kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Sơn La, phối hợp với các Sở VHTTDL tổ chức các đoàn Famtrip, tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các Hiệp hội du lịch ở các địa phương, hỗ trợ tổ chức khóa tập huấn về thuyết minh viên du lịch tại Hà Giang, mời cán bộ quản lý, chuyên viên các Sở VHTTDL tham gia các khóa tập huấn về du lịch có trách nhiệm…

Thu Thủy

Nguồn: TITC