logo
title

TCDL tổ chức họp báo về tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2014 và giới thiệu Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ

Cập nhật ngày: 31/12/2014
(TITC) – Sáng ngày 30/12/2014, tại trụ sở Tổng cục Du lịch đã diễn ra buổi họp báo về tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2014 và giới thiệu Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ.


Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Tham dự buổi họp báo có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu và Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung; đại diện các Vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch cùng các phóng viên thông tấn báo chí.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, năm 2014, bên cạnh những mặt thuận lợi, ngành Du lịch tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều biến cố tác động tiêu cực đến du lịch như dịch bệnh Ebola bùng phát ở châu Phi, tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra tạo tâm lý e ngại du lịch, bạo lực, xung đột đẫm máu xảy ra tại một số quốc gia… Đặc biệt là hệ quả của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, gây giảm sút đột ngột về lượng khách quốc tế từ các thị trường nói tiếng Trung. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch và Bộ VHTTDL, ngành Du lịch đã vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng. Năm 2014, du lịch Việt Nam đã đón được 7,87 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 4%; phục vụ 38,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 10% so với năm 2013; tổng thu từ khách du lịch đạt 230 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Tốc độ tăng trưởng về tổng thu từ khách du lịch cao hơn tốc độ tăng trưởng về lượng khách cho thấy vấn đề chất lượng đã được chú trọng và cải thiện.

Ngoài duy trì được sự tăng trưởng về khách du lịch, toàn Ngành đã nỗ lực đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó đáng chú ý là: (1) Chủ động, tích cực triển khai các giải pháp kịp thời ứng phó diễn biến phức tạp do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam, ảnh hưởng tới luồng khách từ các thị trường nói tiếng Trung; mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; (2) Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và chuyển biến đột phá trong phát triển du lịch; (3) Công tác triển khai Chiến lược, quy hoạch vùng tiếp tục được hoàn thiện; (4) Năm Du lịch quốc gia 2014 – Tây Nguyên – Đà Lạt thành công tốt đẹp, làm nổi bật lên hình ảnh vùng đất Tây Nguyên đến du khách trong nước và quốc tế; (5) Hoạt động quảng bá, xúc tiến được triển khai đồng bộ và chuyên nghiệp hơn, chiến lược marketing cùng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Việt Nam được xây dựng, phổ biến, nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến được tổ chức tại các sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn; (6) Nhiều sản phẩm quảng bá du lịch, nghiên cứu thị trường được xây dựng, chất lượng dịch vụ, đội ngũ quản lý, lao động trong ngành Du lịch được nâng cao; (7) Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng, điểm đến du lịch của Việt Nam được nhiều tổ chức, báo chí quốc tế uy tín bình chọn, trao tặng các danh hiệu cao quý; (8) Môi trường du lịch ở nhiều địa phương được cải thiện rõ rệt sau hơn một năm thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; (9) Các địa bàn trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa… tiếp tục phát huy vai trò là các trung tâm hút khách du lịch; (10) Tổ chức vinh danh, trao giải cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng như các hãng lữ hành quốc tế đã có đóng góp đưa khách du lịch tới Việt Nam…

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, năm 2014 vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của du lịch: Thứ nhất, thiếu chính sách đồng bộ để kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao, đầu tư… Sự liên kết giữa các địa phương chưa thật hiệu quả. Chính sách, thủ tục liên quan như thị thực cho khách quốc tế cần được tiếp tục tạo điều kiện, minh bạch và đơn giản hơn. Thứ hai, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở nhiều địa phương còn mỏng về số lượng, hạn chế về chất lượng. Thứ ba, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ, đảm bảo môi trường du lịch, công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải, tài nguyên du lịch bị khai thác, sử dụng sai mục đích và xâm hại vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Thứ tư, đầu tư nhà nước cho hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu còn thấp so với yêu cầu và rất khiêm tốn so với một số quốc gia trong khu vực. Hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thiếu tập trung và chưa mang tính chuyên nghiệp cao.


Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tổng kết hoạt động du lịch năm 2014

Trong năm 2015, toàn ngành sẽ tập trung triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ; triển khai Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020; tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam”; tập trung thực hiện các đề án, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật du lịch; tăng cường các giải pháp giữ gìn, bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo an toàn an ninh cho du khách; các doanh nghiệp du lịch cần chủ động đổi mới, tăng sức cạnh tranh để có thể hội nhập sâu hơn vào các định chế liên kết quốc tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, tiếp tục hình thành các trung tâm phát triển du lịch; tham gia tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế khu vực và thế giới, đặc biệt là thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN, hợp tác hướng tới xây dựng trong cộng đồng ASEAN 2015.

Ngành Du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón được khoảng 8,3 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng trong năm 2015.

Cũng tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã giới thiệu Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng, chính sách vĩ mô để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành Du lịch. Nghị quyết là cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực, sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan và toàn xã hội để hỗ trợ và tạo ra các bước phát triển đột phá cho ngành Du lịch Việt Nam. Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính, bao gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng đã trao đổi với các phóng viên báo chí tại buổi họp báo về một số vấn đề liên quan đến việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đón khách Nga, việc mở rộng miễn visa cho một số thị trường tiềm năng, công tác quảng bá, xúc tiến trong năm 2015…

Nhân dịp này, Tổng cục Du lịch đã công bố 10 sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2014.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC