Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, trong năm 2015, mục tiêu của địa phương này phấn đấu thu hút 440 nghìn lượt khách quốc tế và 560 nghìn lượt khách nội địa đến tham quan du lịch tại tỉnh này.
Cầu Rạch Miễu nối Bến Tre với các tỉnh lân cận, tạo thuận lợi cho du khách đến với địa phương này
Đồng thời năm 2015, Bến Tre cũng phấn đấu doanh thu du lịch đạt khoảng 700 tỷ đồng và đến năm 2020, sẽ thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Bến Tre đang tập trung thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng. Với các giải pháp khai thác thế mạnh du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng xã hội có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch; quy hoạch các vùng du lịch để tạo động lực thu hút và thực hiện các dự án cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Để thu hút khách tham quan, Bến Tre đang tập trung xây dựng hệ thống giao thông nhánh đến các vùng quy hoạch du lịch, cùng với các dịch vụ khác như điện, nước sạch, bưu chính - viễn thông, thông qua việc vận động doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân cùng làm, song song với việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương đối ứng để kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng du lịch.
Cụ thể, địa phương này đang vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đầu tư phát triển các điểm du lịch cộng đồng, tập trung ở các xã ven sông thuộc huyện Châu Thành. Các điểm du lịch ở xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận, Hưng Phong, du lịch sinh thái huyện Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại. Ngoài ra, Bến Tre hiện đang có hai khu du lịch đặc thù là "Forever Green Resort" và dự án "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre", đây là 2 khu du lịch của tỉnh đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh. Các khu di tích văn hóa - lịch sử như Lăng Nguyễn Đình Chiểu, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, Di tích Đồng Khởi, Căn cứ Quân Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng đang tiếp tục nâng cấp và phát triển kết hợp với phát triển loại hình du lịch tham quan làng nghề.
Ngoài những sản phẩm du lịch truyền thống, các ngành hữu quan tỉnh còn phối hợp tổ chức các sự kiện, chiến dịch về nguồn, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí, góp phần giữ khách lưu trú và kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Thực hiện các chương trình thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu đất nước, con người, tài nguyên, sản phẩm du lịch của tỉnh, huyện đến với du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngành du lịch Bến Tre cũng biên soạn và phát hành ấn phẩm, với những thông tin chính thức về du lịch để tạo lực đẩy mới cho du lịch địa phương.
Trong năm 2015, tỉnh Bến Tre tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục triển khai Chỉ thị 09/CT-TU nhằm củng cố và nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; nâng cấp các di tích văn hóa – lịch sử; tổ chức các sự kiện lễ hội mang nét đặc thù của địa phương; tăng cường số lượng các khu, điểm du lịch, hướng đến nhóm khách cao cấp, có thời gian lưu trú dài và có khả năng chi tiêu cao; tiếp tục củng cố và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch với các thành phố phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Long An; cải thiện chất lượng dịch vụ ở tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch; xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển du lịch; phát triển du lịch gắn với khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc; triển khai thi công nhanh các dự án đầu tư phát triển du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Được biết, trong năm 2014, Bến Tre đã đón trên 900 nghìn lượt khách du lịch, tăng 13%, tổng thu từ khách du lịch đạt 562 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013./.