logo
title

VBF 2015: Visa là rào cản lớn cho ngành du lịch Việt Nam

Cập nhật ngày: 11/06/2015
Đại diện Nhóm Công tác Du lịch thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 (VBF 2015) cho rằng việc thu phí cấp thị thực (visa) là “thiển cận” và visa đang là “rào cản lớn nhất” của du lịch Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều thành viên Chính phủ đã dự VBF 2015

Ông Ken Atkinson, đại diện của Nhóm Công tác Du lịch, cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 9/6 tại Hà Nội chuyện một cặp vợ chồng người châu Âu đi du lịch Đông Nam Á. Họ dự định đến Việt Nam theo lịch trình, song cuối cùng họ không đi vì phí visa quá cao. “Chi phí xin visa vào Việt Nam bằng chi phí họ ở lại hai đêm ở Bangkok, vì thế họ quyết định ở lại Thái Lan thay vì tiếp tục đi đến Việt Nam,” ông Atkinson nói.

Ông Atkinson cho biết, Nhóm Công tác Du lịch ủng hộ việc miễn thị thực cho các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand. Số lượng khách du lịch tới từ những quốc gia này hiện đang chiếm tới 1,6 triệu lượt mỗi năm.

“Nếu tính trung bình phí thị thực và phí giải quyết một hồ sơ là 70 đô la Mỹ, tổng doanh thu từ lệ phí thị thực ước tính vào khoảng 11 triệu đô la Mỹ,” ông ước tính.

Tuy nhiên, ông khẳng định, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc du khách chi tiêu và doanh thu thuế tăng cao.

Ông Atkinson cho rằng, việc miễn thị thực dẫn tới mức tăng trưởng khoảng 10% số lượng khách du lịch đến Việt Nam, đồng nghĩa với việc số lượng khách du lịch tới từ các quốc gia kể trên sẽ tăng khoảng 160.000 lượt.

Dựa trên số ngày lưu trú trung bình hiện tại vào khoảng 11,3 ngày và mức chi tiêu trung bình một ngày vào khoảng 102 đô la Mỹ, thì tổng chi tiêu tại Việt Nam của số khách này sẽ vào khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Không rõ số ngày lưu trú và mức chi tiêu được ông Atkinson đưa ra căn cứ vào số liệu thống kê nào.

Ông Atkinson nói, với mức tăng 200 triệu đô la Mỹ trên tổng doanh thu, ngành du lịch khách sạn sẽ đóng góp khoảng 20 triệu đô la Mỹ thuế giá trị gia tăng và lợi nhuận ròng của Chính phủ sẽ vào khoảng 9 triệu đô đô la Mỹ, và khoảng 180 triệu đô la Mỹ còn lại dành cho việc hỗ trợ đầu tư tư nhân, đóng góp cho thị trường lao động và doanh thu cho Việt Nam.

Ông Atkinson khuyến nghị: “Những thống kê trên đây là lí do cho thấy Chính phủ Việt Nam nên tăng cường đôn đốc các bộ, ban ngành hướng tới một cái nhìn tổng thể có lợi cho đất nước và cân nhắc việc miễn giảm thị thực cho các quốc gia kể trên”.

Đáp lại ưu tư của Nhóm Công tác Du lịch, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Việt Nam đã đơn phương miễn visa cho 16 quốc gia ở ASEAN, Bắc Âu, Đông Bắc Á.

Ông Ái cho biết, Chính phủ đã yêu cầu xem xét mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia khác; Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ nghiên cứu đơn giản thủ tục cấp visa, chấn chỉnh thủ tục cấp visa tại sân bay, visa quá cảnh, phí cấp visa.

"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ việc mở rộng diện miễn visa," ông Ái nói.

Theo báo cáo của Nhóm công tác du lịch, trong khi lượng khách quốc tế đến bằng đường hàng không trong năm 2014 tăng 4% so với năm 2013, ở mức xấp xỉ 7,9 triệu lượt khách thì đáng lưu ý là lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc và Nga có sự sụt giảm đáng lo ngại.

Số liệu thống kê chi tiết cũng cho thấy, lượng khách đến Việt Nam với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng trên thực tế chỉ tăng 2%. Đây cũng là xu hướng chung đối với lượng khách đến Việt Nam ba tháng đầu năm 2015, đã giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhìn sang các quốc gia láng giềng, trong năm 2014 Thái Lan đã đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia, trong đó 49 nước được miễn thị thực đơn phương. Cùng thời gian này Malaysia đã đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia bao gồm 85 quốc gia miễn thị thực đơn phương. Tương tự như vậy, Singapore đã đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và Singapore đã miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 150 quốc gia trong đó 82 quốc gia được miễn thị thực đơn phương.

Nguồn: TBKTSG Online