Cùng với bước phát triển về nhiều mặt, Du lịch Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị trí của một ngành kinh tế chủ lực tại địa phương. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2015), phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng để tìm hiểu về chặng đường phát triển của ngành Du lịch thành phố này.
Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng
PV: Thưa ông, tính đến nay ngành Du lịch TP Đà Nẵng đã ra đời được hơn 40 năm. Là người lãnh đạo trực tiếp ngành Du lịch địa phương, xin ông cho biết những nét cơ bản mà Du lịch Đà Nẵng đã đạt được cho tới nay ?
Ông Ngô Quang Vinh: Ra đời muộn hơn so với Du lịch Việt Nam, song kể từ khi thành lập (sau 30/4/1975), ngành Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã để lại nhiều dấu ấn đáng kể. Nếu sau ngày miền Nam được giải phóng, với tiền thân là Công ty Du lịch Quảng Nam Đà Nẵng, cơ ngơi Du lịch địa phương chỉ vỏn vẹn vài khách sạn tại trung tâm TP, chủ yếu phục vụ các chuyên gia Nga và khách nội địa đi công tác. Đến nay, qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc.
Trước hết có thể thấy, ở giai đoạn từ sau ngày giải phóng (30/4/1975) đến khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương (1997), du lịch Đà Nẵng đã có những thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất; từ một vài khách sạn như đã nói, đến năm 1997 Đà Nẵng đã có 58 khách sạn với 1.948 phòng, trong đó có các khách sạn 3 sao.
Bước sang giai đoạn từ 1997 đến 2003. Đây là thời kỳ sau khi Đà Nẵng chia tách với tỉnh Quảng Nam. Ở thời điểm này, với chính sách mở cửa của Nhà nước, ngành Du lịch Đà Nẵng có bước phát triển nhanh hơn giai đoạn trước. Trong đó, hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, đến năm 2003, TP có 69 khách sạn với 2.391 phòng, trong số này đã bắt đầu phát triển các khách sạn 4-5 sao. Cùng với bước phát triển này, lượng khách đến Đà Nẵng cũng tăng bình quân 16.5%/năm; doanh thu chuyên ngành Du lịch tăng bình quân 15%/năm. Đây cũng là giai đoạn ngành Du lịch TP tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo mà nổi bật là việc phát triển du lịch đường biển với việc Hãng tàu Star Cruise bắt đầu đưa hàng chục ngàn khách du lịch cập cảng Đà Nẵng mỗi năm.
Đến giai đoạn 2004-2008. Đây là thời kỳ Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I và sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đà Nẵng có những điều kiện cơ bản để phát triển; ngành Du lịch được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.
Ở thời kỳ này, số lượng khách sạn trên địa bàn từ 72 khách sạn với 2.411 phòng năm 2003 tăng lên 138 khách sạn với 4.239 phòng năm 2008 (tăng gần gấp đôi). Tổng lượng khách đến Đà Nẵng tăng bình quân 17,3%/năm, khách quốc tế tăng 12,2%/năm. Cũng ở giai đoạn này, TP đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Bán đảo Sơn Trà, Công viên biển Phạm Văn Đồng; xây dựng bãi tắm kiểu mẫu Mỹ Khê và T18 với nhiều dù lá ven biển tạo cảnh quan đẹp. Thị trường khách du lịch quốc tế nổi bật với lượng khách đường bộ từ Thái Lan sang đạt từ 20-30 ngàn khách/năm.
Bước sang giai đoạn 2008 đến nay, Du lịch Đà Nẵng phát triển thực sự khởi sắc và ấn tượng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tiếp tục phát triển, trong đó đáng kể là việc hình thành hệ thống các khách sạn, resort cao cấp 5 sao ven biển và các khách sạn cao cấp từ 3-5 sao trong TP cũng như các khách sạn tiêu chuẩn từ 1-2 sao, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng như Intercontinental, Novotel, Hyatt, Vinpearl, Pullman…
Ngoài thành tựu trên, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 2014, tại Đà Nẵng đã có 183 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 108 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây (2011-2015), lượng khách đến Đà Nẵng tăng bình quân 20,14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 25,4%, khách nội địa tăng 18,6%. Doanh thu chuyên ngành Du lịch tăng bình quân 30,6%/năm. Năm 2014, tổng lượng khách đến Đà Nẵng đạt 3,8 triệu lượt, tăng 21,9% so với 2013; tổng thu Du lịch đạt 9.740 tỷ đồng, tăng 25,1% so với 2013.
Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị thì trên địa bàn Đà Nẵng cũng đã xuất hiện hàng loạt các công trình lớn về du lịch như cáp treo Bà Nà, khu giải trí Fantasy Park, Vòng quay mặt trời, Công viên Châu Á, Khu giải trí Helio Center… Song song đó, Đà Nẵng tiếp tục được nhiều tổ chức du lịch quốc tế có uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn; nhiều sản phẩm du lịch nhận đươc các giải thưởng lớn như Khu nghỉ dưỡng 5 sao Intercontinental Danang Sun Peninlula Resort đạt giải thưởng Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á 2014 do World Travel Awards trao thưởng; Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn Đà Nẵng là top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2014; Đà Nẵng đứng đầu danh sách top 10 điểm đến mới nổi trên thế giới năm 2015 do trang Web du lịch uy tín TripAdvisor bình chọn...
Ngoài ra, TP cũng đầu tư thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ngày càng đa dạng và chất lượng; du lịch nghỉ dưỡng phát triển theo hướng mở rộng cung ứng dịch vụ vui chơi thể thao biển như cano, dù kéo, Jetski, kayak, lặn biển… kết hợp với hàng loại resort, villa ven biển; khu du lịch Bà Nà với 4 kỷ lục thế giới đi vào hoạt động; các tour, tuyến, điểm tham quan khám phá Sơn Trà, các dịch vụ du lịch trọn gói kết hợp nghĩ dưỡng đang dần khẳng định uy tín và thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng….
PV: Có thể nói, với những kết quả qua các chặng đường phát triển như ông vừa kể, Du lịch Đà Nẵng đang thực sự có bước chuyển động mạnh mẽ. Tuy nhiên, phải làm gì để thúc đẩy mạnh hơn nữa cho ngành Du lịch địa phương phát triển? Theo ông đâu là giải pháp cho bài toán này?
Ông Ngô Quang Vinh: Kết luận số 75-KL/TW, ngày 12/1/2013 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) định hướng cho Đà Nẵng: “Phát triển du lịch, nhất là du lịch cao cấp, hình thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế” đang được cả TP quan tâm, từng bước cụ thể hóa.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, ngành Du lịch TP đã và đang tập trung triển khai Đề án phát triển Du lịch TP đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời chuẩn bị triển khai Chương trình phát triển Du lịch 2016-2020.
Tại Đề án và Chương trình này, ngành Du lịch TP hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm đón tiếp và phân phối khách khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tiếp tục thu hút và mở thêm các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, trong đó ưu tiên các đường bay đến từ Châu Âu và các thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…
UBND thành phố cũng đồng ý cho phép sẽ nâng cấp và hoàn thiện các dịch vụ để Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tàu biển và du thuyền quốc tế trong thời gian tới. Cùng với đó, TP sẽ phối hợp với các địa phương trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao; liên kết, phối hợp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và tìm kiếm thị trường du lịch; có các cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực ven biển, đặc biệt là dịch vụ giải trí về đêm, phát triển chợ đêm, phố đi bộ để thu hút và phục vụ khách du lịch.
Cùng với công tác tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nhiều kênh khác nhau, TP cũng sẽ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường khách quốc tế tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Châu Âu, Mỹ….
Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục thu hút và đào tạo nguồn nhân lực cao, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch; tiếp tục xây dựng, đảm bảo môi trường du lịch sạch cả về môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội gắn với hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách; xử lý dứt điểm các hiện tượng tiêu cực, làm ảnh hưởng mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành TP du lịch có thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này!