Đoàn khảo sát du lịch Tây Nguyên - Nam Trung bộ (do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức) vừa khảo sát du lịch tại Bình Định và tham dự tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch Bình Định dựa trên giá trị văn hóa, lịch sử và tài nguyên biển”. Nhân dịp này, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, quanh vấn đề phát triển du lịch Bình Định.
Đoàn khảo sát DL Nam Trung bộ - Tây Nguyên tham quan “hiện vật sống” - cây me gần 300 năm tuổi (cây di sản quốc gia) tại Bảo tàng Quang Trung
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của DL Bình Định, cũng như hoạt động DL Bình Định hiện nay?
- Theo chúng tôi, du lịch Bình Định có 3 điểm mạnh: Tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên nhân văn, đậm dấu ấn lịch sử-văn hóa. Thuận lợi về đường tiếp cận với vị trí địa lý, giao thông. Đặc biệt là quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh về phát triển du lịch.
Qua khảo sát tài nguyên và điểm đến, sản phẩm du lịch Bình Định cùng với Đoàn khảo sát của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, chúng tôi thấy rằng du lịch Bình Định đã có một bước phát triển rất dài; các doanh nghiệp trong đoàn khảo sát cũng đều có ấn tượng tốt với du lịch Bình Định.
Trước hết là sản phẩm du lịch Bình Định đang ngày một nhiều hơn, và có những nét độc đáo, khác biệt nên có thể tạo ra sức hút mới đối với du khách. Thứ hai là quyết tâm phát triển du lịch của địa phương được thể hiện rất rõ trong rất nhiều hoạt động, như là tổ chức nhiều sự kiện du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương...
Với tiềm năng rất to lớn của du lịch Bình Định; với những thuận lợi cùng quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền; với sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch địa phương; với sự đầu tư đúng hướng, có mục tiêu rõ ràng, so sánh lợi thế khu vực, chúng tôi tin tưởng du lịch Bình Định sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Du lịch Bình Định sẽ sánh ngang với các tỉnh là trung tâm du lịch của Việt Nam. Và trong một thời gian ngắn nữa, chắc chắn Bình Định sẽ trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, có thể sánh ngang với Đà Nẵng, Nha Trang... Du lịch Bình Định sẽ có vị thế xứng đáng trong ngành Du lịch Việt Nam.
* Theo ông, để phát triển nhanh trong thời gian đến, du lịch Bình Định cần phải chọn thu hút đối tượng khách nào và cần phải làm gì?
- Có thể thấy rằng, du lịch Bình Định tuy đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, song chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, chưa đạt mong muốn của xã hội, của tỉnh. Chẳng hạn, giá lưu trú ở Bình Định khá thấp, dễ thu hút du khách, song điều này cũng thể hiện rằng lượng khách đến chưa nhiều...
Theo tôi, giai đoạn này Bình Định nên tập trung thu hút khách nội địa, nhất là các thị trường khách Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và các trung tâm như Hải Phòng, Cần Thơ... Cần tập trung thực hiện chương trình kích cầu du lịch để thu hút khách nội địa.
Đồng thời, phải có chương trình riêng để thu hút khách quốc tế. Chẳng hạn, với truyền thống văn hóa rất sâu sắc, phong phú và đa dạng; với kế hoạch phát triển thành một trung tâm nghiên cứu khoa học từ các chương trình của Giáo sư Trần Thanh Vân kết hợp với tỉnh..., có thể tạo ra sự khác biệt với các địa phương trong nước để thu hút khách quốc tế. Chẳng hạn ta có thể dùng hoạt động thi đấu võ đài để thu hút khách quốc tế, như Bình Định đã nhiều lần tổ chức Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam. Như vậy, du lịch Bình Định có thể “đi hai chân”, vừa đón khách nội địa, vừa đón khách quốc tế.
Tuy nhiên, nên lưu ý sản phẩm phục vụ khách nội địa khác với sản phẩm phục vụ khách quốc tế. Chúng tôi rất mừng là có nhiều dự án du lịch lớn đang được triển khai tại Bình Định, có những khách sạn, resort đang xây dựng, có thể phục vụ khách nhiều tiền, khách quốc tế.
* Phấn khởi là vậy, song du lịch Bình Định vẫn ở mức “đang phát triển”, ông có thể hỗ trợ bằng những giải pháp thiết thực và cụ thể hơn?
- Tôi nghĩ rằng bản thân du lịch Bình Định đã có sức mạnh khi có tiềm năng phong phú và quyết tâm phát triển du lịch của chính quyền. Nhưng mà để cho cả nước biết đến Bình Định, biết đến du lịch Bình Định, thì chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Thứ nhất là phải tuyên truyền, quảng bá mạnh hơn nữa; phải thiết lập một hệ thống thông tin làm sao để cho người ta hiểu rằng Bình Định là một điểm đến đầy hấp dẫn, có thể thu hút khách trong nước lẫn ngoài nước. Muốn như vậy, công tác xúc tiến cần phải được đẩy mạnh và nâng cao, để thấy rằng vị thế của Bình Định không chỉ là một địa phương ở khu vực Nam Trung bộ, mà còn là một trung tâm kết nối các địa phương. Và như vậy thì công tác truyền thông giới thiệu sản phẩm DL Bình Định phải được giới thiệu mạnh mẽ và rộng rãi hơn ở các địa phương trong nước.
Thứ hai là phải xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Định ra nước ngoài. Thế giới cũng cần phải biết quê hương của Quang Trung-Nguyễn Huệ đẹp như thế nào, hấp dẫn như thế nào. Thế giới cũng cần phải biết rằng xuất phát của võ cổ truyền Việt Nam ở một vùng đất như thế nào để có thể tạo ra được những con người vĩ đại là những danh nhân của đất nước Việt Nam - từ đất Bình Định này. Rõ ràng du lịch Bình Định không chỉ giới hạn trong nước mà cần phải vươn ra thị trường thế giới, nên phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Định.
Thứ ba là việc liên kết với khu vực. Tự thân Bình Định không thể trở thành một trung tâm du lịch nếu không đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên - Nam Trung bộ. Khi muốn trở thành trung tâm thì phải có các vệ tinh xung quanh. Các vệ tinh xung quanh Bình Định phải là Phú Yên, là Đắk Lắk, là Gia Lai, Kon Tum... Như vậy, khi chúng ta làm tốt công tác liên kết vùng thì du lịch sẽ quy tụ về đây nhiều hơn, cái vị thế trung tâm sẽ hình thành và phát triển. Tôi nghĩ, cần phải hướng cho Bình Định không chỉ là một điểm đến thuần túy, mà phải trở thành một trung tâm du lịch của khu vực.
* Xin cảm ơn ông!