Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, từ đầu năm 2015 đến nay, Thành phố đã đón trên 1,4 triệu lượt khách lưu trú, tăng trên 27% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu du lịch đạt trên 1.500 tỉ đồng, bằng 122% kế hoạch.
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, thời gian qua, ngành du lịch Thành phố đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền, Ô Môn, Thốt Nốt và 9 tour, tuyến mới. Trong đó, tour đường sông Đình Bình Thủy - Cồn Sơn - Chùa Pôthi SomRôn - Khu du lịch Bảy Tiễn đã thu hút được nhiều khách du lịch.
Bên cạnh xây dựng sản phẩm mới, ngành du lịch thành phố Cần Thơ còn chú trọng nâng cao chất lượng các điểm vườn, khu du lịch thành các điểm đến tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ đã đề ra tiêu chí cơ bản về diện tích, các dịch vụ, nguồn nhân lực, môi trường, lượng khách tham quan… để xét chọn điểm du lịch tiêu biểu, sau đó khảo sát và thẩm định đánh giá.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, Thành phố đã tập trung phát triển mạnh du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, theo đó, thành phố Cần Thơ có 27 di tích cấp Quốc gia và thành phố, gắn với quá trình phát triển của một đô thị trù phú, giàu truyền thống. Với định hướng phát triển du lịch sông nước miệt vườn gắn với di tích lịch sử- văn hóa, nhiều năm qua thành phố Cần Thơ không ngừng đầu tư, nâng cấp các điểm di tích này.
Trong giai đoạn 2011- 2015, kinh phí đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử- văn hóa và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở Cần Thơ là trên 140 tỷ đồng. Kinh phí trên từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và xã hội hóa đầu tư cho 20 hạng mục công trình. Sau khi được xây dựng, trùng tu tôn tạo, nhiều điểm đã thu hút khách du lịch tới tham quan như: nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy, Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ và chùa Ông.
Qua thực tế phát triển, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã xác định định hướng lâu dài cho địa phương này, đó là phát huy thế mạnh du lịch sông nước đô thị, với điểm nhấn là chợ nổi Cái Răng và du lịch Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo). Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án về du lịch sẽ được chú trọng ở một số quận, huyện như: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền.
Ngoài ra, Thành phố còn đang triển khai nhiều dự án như khu nghỉ dưỡng và giải trí tại cồn Cái Khế do Công ty cổ phần du lịch Sông Hậu đầu tư, có diện tích 9,4 ha; khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi thủy sản ở cồn Ấu do Công ty TNHH Thương mại thủy sản Mekong Việt đầu tư, với diện tích gần 39 ha; khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu do Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova đầu tư với diện tích trên 19 ha; sân golf cồn Ấu do Công ty Cổ phần Vinpearl đầu tư với quy mô khoảng 80 ha; dự án mở rộng Làng du lịch Mỹ Khánh của công ty TNHH Du lịch Mỹ Khánh, có diện tích 20 ha…
Cùng với đó, ngành du lịch thành phố Cần Thơ cũng đang nỗ lực khôi phục các làng nghề truyền thống, như làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (Bình Thủy), làng bánh tráng Thuận Hưng (Thốt Nốt), làng đan lợp Thới Long (Ô Môn) để gắn với phát triển du lịch. Các điểm du lịch tiêu biểu ở Cần Thơ không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch mà còn tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.
Ngành du lịch thành phố Cần Thơ cũng đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng sắp xếp lại trật tự bến tàu du lịch, niêm yết giá và tăng cường thanh kiểm tra; xây dựng điểm đến theo tiêu chí an toàn, thân thiện và chất lượng; tổ chức nhiều sự kiện gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để thu hút du khách trong dịp xuân Bính Thân 2016. Đồng thời, tham mưu Thành ủy, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ ra nghị quyết chuyên đề về du lịch, các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố trong những năm tiếp theo./.