logo
title

Lâm Đồng hướng đến du lịch chất lượng cao và bền vững

Cập nhật ngày: 11/01/2016
Năm 2015, là năm chính quyền và ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng tham gia nhiều liên kết và hợp tác sâu rộng nhất từ trước đến nay, góp phần nâng số lượng du khách lên 5,4 triệu, với khoảng 240 ngàn khách quốc tế - cũng là con số cao nhất từ trước đến nay. Dù chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn, nhưng sự nỗ lực của các bên liên kết đáng được ghi nhận, ủng hộ và tin tưởng tiếp tục hợp tác.

Mở rộng liên kết hợp tác

Sự mở rộng liên kết du lịch Lâm Đồng gần đây nhất là chuyến đi Quảng Nam ký kết chương trình hợp tác với cụm du lịch “Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế”, cụm đã có quá trình hoạt động 10 năm rất bài bản, chuyên nghiệp và thành công. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thổ lộ rằng: “Mình chân thành tham gia hợp tác với mong muốn quảng bá nhiều hơn cho du lịch địa phương mình. Thu hút du khách là một chuyện; nhưng, cơ hội học hỏi cách làm, cách điều hành, cách quản lý du lịch cũng quan trọng không kém”… Và trong chuyến đi hợp tác này, Lâm Đồng nối vào tour “di sản miền Trung” thành tour du lịch “Hoa và di sản”. 

Đồng thời, các nhà quản lý, các hãng lữ hành và các doanh nghiệp du lịch đã đưa ra ý tưởng, đề cập tới một tour du lịch rất mới “du lịch thăm người thân”, dựa trên thống kê sơ bộ lịch sử phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng là nơi lập nghiệp của rất nhiều cư dân miền Trung. Đến nay, dù đã 3 - 4 đời, nhưng hàng năm, hầu như gia đình nào cũng có người về miền Trung để thăm họ hàng, quê hương… Và các trường đại học, cao đẳng ở Đà Lạt còn là giảng đường mơ ước của rất nhiều em học sinh, làm nên ý tưởng về tour du lịch mùa thi, du lịch nhập trường, giúp giải tỏa tâm lý căng thẳng, bỡ ngỡ của lần đầu tiên xa nhà, vừa là cơ hội giúp các em học sinh cùng gia đình khám phá Đà Lạt… Đặc biệt, giữa tháng 1/2016 sắp tới sẽ có một sự kiện ấn tượng, khẳng định sức hút của điểm đến Đà Lạt và góp phần thúc đẩy mạnh hơn hoạt động du lịch giữa Đà Lạt - Lâm Đồng với cụm du lịch ba tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế…

Đa dạng sản phẩm

Trong các chương trình liên kết phát triển du lịch, nổi bật nhất có lẽ là tam giác du lịch “Lâm Đồng - Bình Thuận - TP. HCM” được xây dựng từ năm 2007, với tour du lịch đã trở thành thương hiệu “Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né - Chợ Bến Thành”. Từ mối liên kết đó, rất nhiều nhà đầu tư từ TP. HCM đến Lâm Đồng hoặc Bình Thuận đầu tư và kinh doanh hiệu quả, như ở Lâm Đồng là KS Sài Gòn - Đà Lạt, KDL Đam Bri, KDL Làng Cù Lần, KDL Sacom - Tuyền Lâm, KDL đường hầm đất sét, Làng Bình An…; hay ở Bình Thuận là khu du lịch Mũi Né với hàng trăm resort… Và điển hình cho các nhà đầu tư từ tỉnh Bình Thuận đến Lâm Đồng là dự án của Công ty cổ phần Bốn Mùa (Terracotta Dalat) tại KDL hồ Tuyền Lâm đã đi vào hoạt động một năm nay. 

Liên kết Lâm Đồng - Khánh Hòa cũng tạo dấu ấn với hành trình du lịch “Rừng - Biển”. Lượng khách du lịch từ Khánh Hòa lên Lâm Đồng ước tính bình quân khoảng 4,5 ngàn lượt khách/tháng, trong đó, 70% là khách du lịch đến từ Nga và Trung Quốc. Các nhà đầu tư từ hai tỉnh đã có những dự án được triển khai ở địa phương liên kết, như Công ty TNHH MTV Maico Đà Lạt đầu tư dự án KDL sinh thái Bạch Mai, Bãi Miễu; hai nhà đầu tư từ Khánh Hòa triển khai dự án tại Lâm Đồng là Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat với tiêu chuẩn 4 sao đã hoạt động và Bavico Plaza Hotel Dalat vừa mới khai trương. Con đường 723 nối Lâm Đồng với Khánh Hòa trở thành con đường nối hoa và biển lãng mạn bởi sương mù, thác nước, rừng nguyên sinh, làng dân tộc thiểu số…

Lâm Đồng cũng tham gia các liên kết phát triển du lịch khác, như Lâm Đồng - Cần Thơ - Kiên Giang nhằm khai thác tour du lịch sông nước và biển cực nam của Tổ quốc. Liên kết này nhộn nhịp hơn, khi đường bay Đà Lạt - Cần Thơ được mở ra với tần suất hiện tại là 3 chuyến/tuần, không chỉ kết nối hai địa phương mà là hai điểm kết nối giữa toàn vùng Tây Nguyên với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình hợp tác liên kết du lịch Lâm Đồng - Nghệ An và Quảng Bình - kéo dài hành trình di sản đến hết dải đất miền Trung… Không chỉ liên kết hợp tác với các vùng miền trong nước, Lâm Đồng đã có những bước liên kết tiến ra khu vực và thế giới.

Hướng đến hội nhập

Gần đây nhất, giữa tháng 11/2015, chuyến đi quảng bá - xúc tiến thương mại - du lịch ở Nga suôn sẻ như bắc một nhịp cầu đưa các doanh nghiệp Lâm Đồng xâm nhập vào thị trường hoàn toàn mới mẻ là Nga. Trước đó, cuối tháng 7/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Lào, Campuchia và cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc, tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch dựa vào nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững” tổ chức tại Đà Lạt. Các đại biểu đến từ các nước tiểu vùng sông Mê Kông rất ấn tượng với những thành tựu phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch ở Lâm Đồng. Họ tin tưởng rằng Đà Lạt sẽ là điểm đến rất quan trọng của khu vực để kết nối các tour tuyến giữa nước họ với Việt Nam…

Tháng 9/2015, Lâm Đồng cũng tham dự Hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” với chủ đề “3 quốc gia - 1 điểm đến”. Đây là hội thảo du lịch mang tầm quốc tế, mở ra cơ hội phát triển du lịch vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung trong bối cảnh du lịch Việt Nam ngày càng hợp tác sâu rộng với quốc tế. Đặc biệt, ngành du lịch Lâm Đồng rất tích cực tổ chức đón tiếp các đoàn Famtrip, Presstrip để quảng bá du lịch, như các đoàn quốc tế từ Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia và nhiều đoàn từ các tỉnh, thành trong nước…

Liên kết du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương khác đã tạo nên những tour du lịch “một chuyến đi - nhiều điểm đến”, nhưng chưa phát triển phổ biến và quy mô. Mấu chốt của vấn đề này, có lẽ do các hoạt động quảng bá, xúc tiến của Lâm Đồng về du lịch dù rất tích cực, nhưng vẫn được coi là rời rạc, thiếu tập trung và chưa tạo nên hiệu ứng. Với mỗi địa phương, mỗi vùng miền, cần có chiến lược quảng bá riêng, đặc biệt là tại các địa phương liên kết nên có những chiến dịch quảng bá điểm đến Đà Lạt - Lâm Đồng mạnh hơn để có sức lan tỏa lớn hơn.

Lời kết 

Liên kết hợp tác phát triển du lịch là cơ hội để các địa phương quảng bá du lịch rộng hơn đến các vùng miền, kết nối văn hóa với các địa phương; đồng thời, giới thiệu đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương mình và liên kết xây dựng các tour tuyến, khai thác được thế mạnh của mỗi địa phương và tạo ra sự thích thú, say mê cho du khách. Liên kết còn góp phần phát triển du lịch của mỗi địa phương, tăng thu nhập từ dịch vụ du lịch... Tuy nhiên, không phải liên kết nào cũng cho thấy hiệu quả ngay, mà phải có quá trình hoàn thiện các cơ sở hợp tác trong liên kết. Vì vậy, vẫn có tình trạng các sản phẩm liên kết vùng chưa đồng bộ, chưa tạo được nhiều tour tuyến đặc thù, các điểm đến chưa hấp dẫn, môi trường du lịch chưa được cải thiện tốt… cần có sự hỗ trợ và hợp tác của chính quyền, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp; cũng như các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất và môi trường du lịch… để đạt tới sự chuyên nghiệp trong liên kết hợp tác nhằm hướng đến một nền du lịch chất lượng cao và bền vững.

Nguồn: Báo Lâm Đồng