(TITC) – Ngày 29/1/2016, Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Du lịch về Đề án Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xúc tiến quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung và lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.
Đề án Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam, nghiên cứu các điển hình về xây dựng phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, đề án chiến lược cũng cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và giải pháp Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 về các nội dung liên quan đến phát triển thương hiệu du lịch phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển.
Đáng chú ý là đề án xác định phát triển du lịch xuất phát từ phía cung và cầu, dựa theo sản phẩm và thị trường, trong đó thương hiệu là trọng tâm trong nâng cao năng lực cạnh tranh. Đề án đề xuất giữ nguyên bộ nhận diện thương hiệu cùng slogan “Vietnam – Timeless Charm” và chú trọng tăng nội hàm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông thương hiệu; ưu tiên truyền thông 4 giá trị cốt lõi (thời gian, sự cam kết, sự huyền bí, cảm xúc mãnh liệt) và 4 dòng sản phẩm du lịch (du lịch văn hóa; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái, thiên nhiên; du lịch thành phố), trong đó dòng sản phẩm du lịch được giới thiệu trọng điểm theo thị trường mục tiêu.
Để phát triển thương hiệu, đề án đặt ra những mục tiêu cụ thể như: nâng cao nhận thức và kỹ năng; tập trung phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch và vùng du lịch nổi bật, chất lượng cao; xác định và quảng bá các thương hiệu, hình ảnh tiêu biểu. Về giải pháp, đề án ưu tiên giải pháp về xúc tiến quảng bá, cùng với những giải pháp đồng bộ, dài hạn: tuyên truyền và nâng cao nhận thức; cơ chế, chính sách và đầu tư; hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch; tăng cường năng lực quản lý; tăng cường liên kết và phối hợp liên vùng và liên ngành; hợp tác quốc tế. Đồng thời, đề án cũng xác định khung kế hoạch hành động cho từng giai đoạn.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại buổi làm việc
Nhằm hoàn thiện đề án, các đại biểu đã đưa ra những nhận xét, góp ý xoay quanh các nội dung: đồng bộ chiến lược phát triển sản phẩm và chiến lược phát triển thương hiệu của du lịch Việt Nam; tuyên bố thương hiệu; đánh giá hiệu quả của công tác truyền thông; chú trọng nâng tầm truyền tải giá trị cốt lõi của thương hiệu; trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển thương hiệu; cần tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các địa phương và doanh nghiệp du lịch…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao sự tâm huyết và kết quả nghiên cứu của nhóm thực hiện đề án. Tổng cục trưởng nhấn mạnh chiến lược phát triển thương hiệu cần chú trọng những giải pháp ưu tiên như xúc tiến quảng bá, trong đó truyền thông thương hiệu đóng vai trò rất quan trọng; xây dựng niềm tin trong khách du lịch về thương hiệu du lịch Việt Nam thông qua quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ; thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tổng cục trưởng khuyến khích sự hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp, địa phương và ngành liên quan để phát huy hiệu quả chiến lược, thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn chỉ đạo Vụ Thị trường du lịch tiếp tục hoàn thiện đề án để chuẩn bị tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các địa phương trong thời gian tới.
Tin: Hồng Nhung; ảnh: Thanh Tâm