Như tin đã đưa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa phối hợp với Sở VHTT TP Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế báo cáo kết quả khai quật khảo cổ và góp ý dự án đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích Hải Vân quan.
Ảnh minh họa: Internet
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng phòng Nghiên cứu và sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, với vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại trên đường thiên lý Bắc - Nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân quan đến Thiên hạ đệ nhất hùng quan được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích. Qua quá trình nghiên cứu và khai quật đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ. “Từ đó có cứ liệu khoa học quan trọng để khẳng định rằng đa số những dấu tích tường thành hiện thấy đều đã được cải tạo, xây xếp vào giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ chiếm đóng. Trong khoảng thời gian từ 1946 đến 1975, quân đội Pháp, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đồn trú tại di tích Hải Vân quan đã xây dựng mới tại đây hệ thống nhà ở, đồn bốt, lô cốt, công sự, ụ súng..., làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của di tích thời nhà Nguyễn. Ngoài ra, xung quanh Hải Vân quan, quân đội Mỹ đã xây thêm 5 chiếc lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này”, ông Chất cho hay.
“Song song với việc tiến hành nghiên cứu, làm xuất lộ các dấu tích kiến trúc của Hải Vân quan, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ, nghiên cứu cũng đã thu thập được một số các loại hình di vật, bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn. Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ. Chắc chắn sau khi được tiến hành phân loại, xử lý bảo quản, gắn chắp, giám định niên đại… bộ sưu tập hiện vật này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học để phục vụ hiệu quả cho công tác thiết kế, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và phát huy trưng bày tại di tích này”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng tiết lộ.
Qua kết quả khảo cổ sơ bộ, hai nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Chất và Hoàng Văn Thưởng (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã đưa ra một số kiến nghị: Cần tôn tạo, phục hồi di tích Hải Vân quan theo mặt bằng kiến trúc thời Nguyễn với chức năng như một pháo đài quân sự đặc biệt. Theo đó, sẽ tháo dỡ những kiến trúc xây mới trên nóc hai cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan cũng như các công trình bên trong khu di tích. Phục hồi lại hệ thống tường thành, ụ súng Thần công, bậc cấp, đường đi qua hai cổng. Nghiên cứu phục hồi kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố làm nơi đón tiếp khách tham quan và thiết kế trưng bày bảo tàng giới thiệu lịch sử hình thành và biến đổi của di tích; nghiên cứu, bảo tồn và tôn tạo các lô cốt, hầm ngầm thời Pháp, Mỹ và xem đây như những chứng tích lên án chiến tranh và phản ánh sinh động những giai đoạn biến đổi qua các thời kỳ lịch sử của di tích; tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phương án tốt nhất vẫn là phục hồi nguyên trạng đặc điểm kiến trúc thời Nguyễn, đồng thời giữ lại những công trình được xây dựng thời Pháp, Mỹ làm đồn trú vì giai đoạn sau này cũng là một giai đoạn lịch sử của Hải Vân quan hôm nay. Ngoài ra, phải lần giở được hướng đi, phát lộ toàn phần hoặc một đoạn của con đường Thiên Lý qua Thiên hạ đệ nhất hùng quan (phía Bắc) và Hải Vân quan (phía Nam) theo hướng đảm bảo tính nguyên bản và có sự kết nối trong quần thể di tích đặc biệt này.
“Trong tương lai, đây phải là di tích lịch sử quốc gia cấp đặc biệt. Hai địa phương đã vượt qua rất nhiều trở ngại để cùng nhau đánh thức Hải Vân quan thì công tác bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích này chắc chắn sẽ thực hiện được. Các cơ quan chuyên môn phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện dự án, kịp phê duyệt và tiến hành vào đầu năm 2019. Hy vọng, trong thời gian không xa, Hải Vân quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, là niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận - Quảng xưa, Huế - Đà Nẵng ngày nay”, ông Dung nhấn mạnh.