logo
title

Nông dân Hội An phát triển du lịch sinh thái

Cập nhật ngày: 18/09/2018
So với nông dân ở các địa phương trong tỉnh, nông dân Hội An đã sớm đón bắt cơ hội phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái cộng đồng. Thành phố cũng có nhiều chủ trương, biện pháp để xâu chuỗi mối quan hệ mật thiết giữa du lịch với sản xuất nông nghiệp, tạo ra những giá trị riêng có cho điểm đến Hội An.

Đón bắt cơ hội từ du lịch…

Mấy năm về trước, cũng như nhiều hộ nông dân ở xã Cẩm Thanh, gia đình anh Nguyễn Tuấn Liên ở thôn Vạn Lăng chỉ sử dụng ao đầm để nuôi tôm nước ngọt. Khi được mùa thì kinh tế tạm ổn, khi mất mùa thì lỗ cả vốn đầu tư. Dù bản thân đã có việc làm tương đối ổn định từ nghề cắt tóc nhưng khi nghĩ đến những người thân và nhiều lao động địa phương vẫn nhọc nhằn, bấp bênh với đồng ruộng và nghề biển, anh Liên đã mạnh dạn cùng gia đình chuyển toàn bộ diện tích ao nuôi tôm thành nơi làm du lịch. Anh đã cải tạo lại cảnh quan, dựng các nhà chòi trên ao, tìm hiểu, lắp đặt dụng cụ vui chơi trên ao hồ và sắm thêm ghe thuyền để đưa đón khách. Từ đó, khu du lịch sinh thái Tuấn Liên không chỉ tạo được việc làm và tăng thu nhập cho cả gia đình mà hàng trăm lao động địa phương đã có việc làm từ dịch vụ bơi thúng chai, đưa đón khách tham quan rừng dừa, mở ra hướng mới trong việc hình thành sinh kế cho cộng đồng.

Không riêng Nguyễn Tuấn Liên, những năm gần đây, đông đảo nông dân Hội An đã chuyển hướng làm du lịch dịch vụ từ tiềm năng của địa phương và lợi thế của gia đình. Từ xã đảo đến vùng nông thôn và ngay cả ở các phường nội thị, nhiều hộ đã tận dụng cảnh quan vườn cây ao cá, đất đai thoáng rộng để mở các dịch vụ lưu trú homestay hoặc các nhà hàng, kết hợp dạy nấu ăn cho du khách từ những sản phẩm cây nhà lá vườn của gia đình và bà con trong thôn xóm làm ra. Ở làng rau Trà Quế, nhiều hộ đã thành công với mô hình tham quan lưu trú kết hợp thưởng thức rau xanh, ẩm thực truyền thống. Ở các làng trồng rau khác như An Mỹ (Cẩm Châu), Thanh Đông (Cẩm Thanh), mỗi ngày đón tiếp hàng trăm lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Nguồn lợi kinh tế từ rau sạch cũng được nâng dần. Ông Phạm Mèo, ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh nói: “Ba năm nay chúng tôi thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ, đây là phương thức sản xuất rau sạch từ mấy chục năm trước, khi mà các loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chưa xuất hiện tràn lan như bây giờ. Đáng mừng là rau hữu cơ của chúng tôi đều tiêu thụ nhanh, mạnh, nhiều lúc không đủ theo đơn đặt hàng của các cơ sở du lịch dịch vụ. Nhờ vậy thu nhập của bà con đạt khá và các cơ sở kinh doanh ẩm thực tin dùng, tiêu thụ nhiều hơn”.

Hỗ trợ nông dân làm kinh tế

Nhằm mở rộng không gian du lịch ra vùng ven, giảm áp lực cho phố cổ, đa dạng sản phẩm du lịch, Hội An đã chủ trương thực hiện đề án xây dựng thành phố sinh thái, văn hóa du lịch. Việc tạo cơ chế thuận lợi, hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế từ du lịch nông nghiệp luôn được chú trọng. Ngoài việc định hướng giữ gìn không gian xanh tại các làng quê trước “làn sóng” đô thị hóa, thành phố đã đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển tại các làng nghề, cánh đồng. Các địa phương, ban ngành đoàn thể cũng đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp sinh thái, cộng đồng, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Chỉ nói riêng Hội Nông dân thành phố, các cấp hội đã phối hợp hỗ trợ hội viên, nông dân lập hồ sơ vay từ nhiều nguồn vốn. Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ hơn 38 tỷ đồng, với hơn 2.670 hộ vay. Trong đó nhiều nhất là vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với hơn 35 tỷ đồng (2.045 hộ vay). Cạnh đó, hội đã phối hợp tổ chức gần 100 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên, vận động thành lập 38 tổ dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân sản xuất như bán vật tư, phân bón, giống cây trồng trả chậm... Từ phong trào thi đua xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, 5 năm nay, toàn thành phố đã huy động được hơn 2 tỷ đồng, trong đó thành phố hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, giải quyết cho 575 lượt hộ vay sản xuất hoặc làm dịch vụ du lịch từ nông nghiệp. Ông Nguyễn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân Hội An cho biết: “Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, đến nay, tỷ lệ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn thành phố tăng đáng kể. Tính đến cuối năm ngoái, Hội An có đến 20.117 lượt hộ đạt danh hiệu này”.

Hiện nay, Hội An tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng thành phố sinh thái văn hóa du lịch. Cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể các cấp, trong đó có tổ chức Hội Nông dân đang phối hợp thực hiện các chương trình hỗ trợ cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với du lịch sinh thái cộng đồng. Ngoài việc hướng dẫn nông dân thâm canh, phòng trừ dịch bệnh, các đơn vị đang mở rộng mô hình trồng rau hữu cơ ra các địa phương như Cẩm Kim, Cẩm Châu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ vi sinh; chuyển giao các loài hoa, cây cảnh mới, không chỉ phục vụ dịp tết mà còn đáp ứng nhu cầu trang trí cảnh quan du lịch dịch vụ quanh năm; vận động nông dân phát triển các cây trồng truyền thống có thương hiệu hàng hóa và giá trị du lịch như bắp nếp, ngô đồng, trà lá rừng Cù Lao Chàm, giữ gìn cảnh quan sinh thái làng quê Cẩm Kim, Tân Hiệp, Cẩm Thanh, Cẩm Hà… Từ hướng này, thành phố sẽ đạt lợi ích kép, vừa giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình, vừa giữ gìn cảnh quan làng quê, sinh thái, đồng ruộng, mở rộng không gian du lịch bên ngoài khu phố cổ và tạo thêm sản phẩm du lịch mới lạ mà bình dị, quen thuộc cho khách khi đến Hội An.

Báo Quảng Nam