logo
title

Lung linh đèn lồng phố Hội

Cập nhật ngày: 26/09/2018
(TITC) – Cùng với sản phẩm thủ công truyền thống như mộc và gốm thì đèn lồng cũng trở thành một sản phẩm độc đáo của phố cổ Hội An. Những chiếc đèn lồng duyên dáng và lung linh đã trở thành điểm nhấn đặc biệt, tạo nên một màu sắc rất riêng và thu hút du khách mỗi khi ghé thăm phố Hội.



Sản phẩm "Đèn lồng Hội An" được công bố tiêu chuẩn với 9 hình dáng đa dạng và phong phú


Nghề làm đèn lồng xuất hiện tại Hội An khoảng vào cuối thế kỷ 16. Cho đến nay, nghề làm đèn lồng ở Hội An đã có 400 năm tuổi và ngày càng hoàn thiện theo thời gian. Từ chiếc đèn lồng khung tre bọc vải, đèn lồng Hội An đã đa dạng về kích cỡ và hình dáng, màu sắc cũng tùy từng loại mà mang ý nghĩa khác nhau. Nếu như màu đỏ tươi biểu thị cho sự may mắn, ấm áp, màu vàng thể hiện tinh thần vui tươi, lạc quan thì màu gấm huyết dụ lại toát lên vẻ sang trọng, kiêu sa và tinh tế. Chất liệu vải bọc ngày nay đủ loại từ bình dân đến cao cấp, từ giấy, vải xoa đến lụa tơ tằm, nhung, gấm…

Cũng như những nghề thủ công truyền thống khác, nghệ nhân làm đèn lồng đòi hỏi phải có tính cẩn thận, cầu kỳ, tinh tế và chậm rãi như chính nhịp sống bình yên của phố Hội bao đời nay. Thông thường, một nghệ nhân có thể làm ra từ 10 chiếc đèn lồng mỗi ngày, với những nghệ nhân lâu năm và tay nghề cao có thể làm đến 20 chiếc đèn lồng/ ngày.

Đặc biệt hơn cả, những chiếc đèn lồng qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân còn được chạm trổ những tích truyện cổ nổi tiếng. Mỗi hình vẽ, nét chữ trên đèn lồng như một tác phẩm hội họa thực sự chứa đựng cả một kho tàng văn hóa quý báu. Với ý nghĩa văn hóa như vậy, đèn lồng Hội An trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị xuất khẩu và đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Ước tính toàn thành phố Hội An có trên 40 cơ sở chế tác và bán đèn lồng, đèn lồng đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ.

Sản phẩm “Đèn lồng Hội An” cũng được Chi cục tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng tỉnh Quảng Nam công bố tiêu chuẩn với 9 kiểu dáng gồm các đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù. Ngoài ra còn có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với nhiều màu sắc rực rỡ.
Bên cạnh đó, Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust của Anh cũng từng đưa ra danh sách 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam. Trong đó, Lễ hội Đèn lồng tại Hội An (diễn ra quanh năm, vào dịp rằm hàng tháng) xếp vị trí đầu tiên.

Không khó để nhận ra rằng, từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng ăn uống đến ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ bình yên cũng đều có dáng dấp của những chiếc đèn lồng. Khi màn đêm buông xuống, hai bên bờ sông Hoài thơ mộng được chiếu sáng bởi ánh nến lung linh, huyền ảo hắt ra từ những chiếc đèn lồng giăng kín phố.

Báo chí phương Tây ca tụng không khí bình yên hiếm có, du khách quốc tế xiêu lòng bởi nét đẹp giản dị, hoài cổ, Phố Hội cũng được thế giới biết đến qua những bức ảnh với tông màu vàng trầm mặc của những dãy nhà đầy chất thơ. Một điểm chung trong tất cả những ấn tượng ấy luôn có sự hiện hữu của chiếc đèn lồng nhỏ xinh và tao nhã. Có thể nói, đèn lồng đã góp phần tạo ra một sức hấp dẫn mãnh liệt của Di sản Văn hóa Thế giới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ngày nay, khi du khách có dịp tham quan tại Hội An, việc mua một chiếc đèn lồng làm quà kỷ niệm không còn là điều khó khăn bởi lẽ các cơ sở sản xuất đã chế tác những chiếc đèn lồng với kích thước nhỏ, hay đèn có thể xếp gấp được tiện cho việc vận chuyển. Đây đang là những sản phẩm được du khách vô cùng ưa chuộng.







Lễ hội Đèn lồng tại Hội An từng được Tạp chí du lịch nổi tiếng Wanderlust (Anh) đưa vào danh sách 7 lễ hội ấn tượng nhất Việt Nam


Khánh Trang

TITC