logo
title

Gáo Giồng mùa nước nổi

Cập nhật ngày: 11/10/2018
Chúng tôi về Gáo Giồng - Cao Lãnh, Đồng Tháp giữa mùa nước nổi. Nước mênh mông khắp các kinh rạch dọc ngang làm cả khu sinh thái này như một ốc đảo nổi trên mặt nước.

Sau trận mưa nhỏ, không khí trong lành. Tiếng bìm bịp kêu bên những cánh rừng tràm hoa trắng ngát hương. Hoa điển điển nở vàng. Hoa súng tím, hoa sen hồng khoe sắc. Từng đàn chim đủ các loại kéo nhau về quần tụ trên những ngọn cây, tiếng vỗ cánh xao động lan theo mặt nước... Ngồi trên chiếc xuồng ba lá xuôi dòng kinh, cảm giác thật thanh bình, yên tĩnh.

Đưa chúng tôi đi thăm rừng tràm, cô lái đò Dương Ngọc Mỹ, duyên dáng, trẻ trung với tuổi 19, kể:
- Nhiều năm rồi mới có mùa nước nổi như năm nay. Bình thường, con kinh chú cháu mình đang đi sâu chưa được hai mét mà bữa ni tới hơn bốn mét. Có nước về, con người cây cỏ chim muông ở đây đều như được hồi sinh!

Dương Ngọc Mỹ có vẻ đẹp chân chất, nét cười rất duyên dáng của một cô gái miền tây. Cô cho biết, vì muốn giúp ba mẹ nên nghỉ học sớm, vào làm ở khu sinh thái từ mấy năm trước. Từ bé đến nay, cô mới chỉ lên thành phố Cao Lãnh vài lần, chưa bao giờ đến Cần Thơ hoặc đi xa hơn. Qua câu chuyện kể, Dương Ngọc Mỹ giúp chúng tôi hiểu thêm về Gáo Giồng, tên gọi xuất phát từ chỗ có nhiều cây gáo cổ thụ mọc ở đây.

Khu sinh thái này được coi là lá phổi của vùng Đồng Tháp Mười. Diện tích rừng tràm ở đây là 1.700 héc ta, trong đó rừng nguyên sinh khoảng 250 héc ta. Gáo Giồng nổi tiếng với hệ động thực vật phong phú. 15 loại chim sinh sống trong những khu rừng ở đây. Nhiều nhất là các loài cò như cò trắng, cò lửa, cò ma..., có cánh rừng hàng ngàn con quần tụ sinh sống. Gáo Giồng là vườn cò lớn nhất Đồng Tháp Mười.

Ngoài ra ở đây còn các loài chim khác như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt giời. Nguồn thuỷ sản ở Gáo Giồng, một vựa cá nước ngọt lớn của cả vùng, cũng rất phong phú với các loài cá như cá lóc, cá sặc, cá lăng, cá bống... Đặc biệt, mùa nước nổi, từ đàn cá linh từ Biển Hồ theo nước về đây, một đặc sản ở Gáo Giồng.

Xuồng chúng tôi xuôi theo dòng kinh, nối theo những chiếc xuồng chờ du khách khắp nơi về thăm Gáo Giồng. Trên đường đến vườn cò, chúng tôi đi qua những rừng tràm rộng, những rặng tre xanh, những rặng điên điển hoa vàng dọc bên bờ kinh, bóng cây hoà vào bóng nước tạo nên những hình ảnh rất đẹp.

Trong đoàn chúng tôi có nhà báo Nguyễn Văn Thi - Tám Thi như cách gọi ở vùng này, là người con quê hương Đồng Tháp. Anh tham gia cách mạng, chiến đấu ở đây từ khi còn trẻ. Trở thành phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, anh cũng liên tục bám trụ nơi đây. Câu chuyện của anh như gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, khi Tám Thi kể về những năm tháng chiến tranh, có thời kỳ căn cứ của tỉnh uỷ Đồng Tháp ở sát khu vực này.

Các cánh rừng tràm Gáo Giồng từng là nơi trú chân của quân giải phóng trong nhiều chiến dịch lớn. Những năm tháng gian nan ấy, Tám Thi và các đồng đội, thường xuyên qua lại vùng này, được sống trong sự đùm bọc của những người nông dân chân chất, giàu lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh.

Chúng tôi gặp một vườn cò sau một ngã rẽ ở con kinh chính. Quang cảnh thật ấn tượng. Cả ngàn con cò trắng đậu kín trên những ngọn tràm. Chúng hồn nhiên quây quần bên nhau trong một buổi sáng thanh bình. Thỉnh thoảng đàn cò lại vẫy cánh đồng loạt tạo nên những tiếng rào rào nối nhau, truyền từ cây nọ sang cây kia. Một số con vụt bay lên, cất tiếng kêu vang trong không trung như muốn tìm bạn, giang những sải cánh rộng trên bầu trời.

Sau khi ghi lại hình ảnh độc đáo ở vườn cò, chúng tôi lại ngược xuồng trở lại điểm xuất phát. Tại trung tâm dịch vụ, cô gái Huỳnh Như Ý, mới 18 tuổi, xinh đẹp và trẻ trung, đã giúp các nhà báo đến từ phương xa chọn bữa ăn trưa gồm những món ăn tiêu biểu của Gáo Giồng mùa nước nổi: cá sặc rằn, thịt chuột đồng quay lu, cá lóc nướng, lẩu cá linh, lẩu rắn cá trung... cùng với cơm gạo huyết rồng cuốn lá sen và rượu mật ong rừng tràm.

Sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên đối với mỗi chúng tôi trong chuyến đi này khi được cùng những bè bạn thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc, hương vị của đất trời phương nam, quà tặng hào phóng của thiên nhiên cho con người, giữa mùa nước nổi trên đất Gáo Giồng.

Báo Tin tức/TTXVN