Đồng bào Khmer Nam Bộ có một kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc phong phú và độc đáo, được lưu truyền đến nay với nhiều loại hình: Âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật, kiến trúc…, trong đó có kho tàng những làn điệu dân ca. Dân ca của người Khmer rất phong phú và ăn sâu vào đời sống của mỗi người Khmer, trong sinh hoạt lễ hội, ở từng phum sóc từ bao đời nay.
Đặc biệt, trong tố chất của người Khmer, dường như ai cũng đều rất nhạy cảm với âm thanh và nhịp điệu, chỉ cần nghe tiết tấu của giàn trống nhạc ngũ âm nổi lên là bà con đều có thể nhảy múa được. Họ luôn giữ âm nhạc như nhịp đập của con tim, hơi thở cuộc sống và thể hiện ra bằng âm thanh, điệu bộ. Tâm hồn của người Khmer Nam Bộ được thể hiện rõ nhất trong các bài hát dân ca, làm lay động tình cảm con người.
Tại Sóc Trăng, nơi có khoảng 400 ngàn người dân Khmer (chiếm 31% dân số của tỉnh), lời ca tiếng hát, điệu múa hòa điệu cùng âm thanh của những nhạc cụ dân tộc, giàn nhạc ngũ âm của người Khmer cũng luôn âm vang, rộn ràng trong những kỳ lễ hội, những sinh hoạt vui chơi giải trí của đồng bào, đem lại niềm tin yêu cuộc sống.
Tiết mục múa hát "Ngày Tốt lành" của đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng tại Liên hoan dân ca Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I - 2018. Ảnh: Trung Hiếu
Để góp phần bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, làn điệu dân ca riêng có của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV5) phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Sóc Trăng, tổ chức Liên hoan dân ca Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I - 2018 tại Sóc Trăng.
Liên hoan diễn ra trong 5 ngày (1-5/10). Tuy lần đầu tổ chức nhưng Liên hoan đã thu hút gần 300 nghệ nhân, học sinh, sinh viên, diễn viên không chuyên đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang, thành phố Cần Thơ... tranh tài ở 96 tiết mục hát, biểu diễn dân ca.
Các tiết mục được thí sinh thể hiện trong Liên hoan có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, sự đổi thay của phum sóc, tình yêu quê hương, lễ hội dân gian, tình cảm gia đình… thông qua các thể loại hát ru, hát giao duyên, độc diễn đàn Cha Pây Chom Riêng, hát múa Aday cho đến các làn điệu dân ca, nhạc lễ cưới, Dì kê, Dù kê…
Dân ca Khmer Nam Bộ có rất nhiều thể loại: Hát ru con (chằm-riêng bòm-pe kon); hát làm việc (chằm-riêng ka ngia), hát huê tình (chằm-riêng bôn-sơ rông)... Tâm hồn người Khmer Nam Bộ được thể hiện rõ nhất trong các bài hát dân gian, từng lời ca tiếng hát đã làm lay động đến tình cảm sâu kín của con người. Hát trong lao động sản xuất thì có những bài như: “Chriêng boong som nanh” (hát quăng chài),“Chriêng Káp Chhơ” (hát đốn cây),“Chriêng Stung Srâu” (hát cấy lúa)…
Theo ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan: Liên hoan dân ca Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2018 thật sự là một ngày hội văn hóa đặc biệt trong đời sống âm nhạc của đồng bào dân tộc Khmer.
Nhiều thể loại dân ca tưởng chừng như bị mai một, nhưng tại Liên hoan lần này đã được các thí sinh trình bày một cách sáng tạo, với hình thức biểu diễn điêu luyện, góp phần đưa làn điệu dân ca phát triển lên một bước mới.
Đứng về góc độ chuyên môn, Thạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Sơn Lương, Trưởng ban Giám khảo Liên hoan dân ca Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất tại Sóc Trăng đánh giá: Liên hoan đã thu hút được sự nhiệt tình tham gia của đông đảo lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên ở nhiều lứa tuổi, góp phần tác động sâu rộng đến đời sống văn hóa tinh thần trong đồng bào Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một phần quan trọng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer.
Liên hoan cũng là cơ hội để các nghệ nhân, ca sĩ không chuyên được học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer qua những nhạc cụ, làn điệu dân ca truyền thống; đồng thời cũng là dịp để tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Theo nghệ nhân Lý Xêm, 94 tuổi, đến từ xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), là thí sinh dự có tuổi đời cao nhất trong 134 thí sinh dự thi: “Tôi muốn mang đến người yêu dân ca Khmer với tiết mục Chầm riêng chà pây. Tôi chọn bài ca đua ghe kể về lễ hội đua ghe ngo truyền thống của bà con Khmer để biểu diễn.
Tôi mang Cha pay đon vênh đến biểu diễn vì mong muốn thế hệ con cháu sau này nhận thức được về giá trị và học loại nhạc cụ truyền thống có từ lâu đời này. Vì loại nhạc cụ Cha pay đon vênh này giờ đã mai một rất nhiều rồi, không còn thu hút sở thích của giới trẻ nữa”.
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 17 tiết mục chính thức để trao giải cho các thí sinh và trao 7 giải phụ xuất sắc. Giải nhất thuộc về tiết mục “Mùa Xuân anh cưới em” do 2 thí sinh Kiêm Lương và Lâm Thị Diên đến từ lớp sân khấu Dù kê, trường Trung học Văn hóa nghệ thuật Sóc Trăng biểu diễn; 2 giải nhì thuộc về tiết mục “Sarikakeo” của thí sinh Lý Kim Quyên (học sinh trường Dân tộc nội trú huyện Kế Sách) và tiết mục “Giã cánh kiến” của thí sinh Thạch Măng Khít (Đại học Trà Vinh). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 3 giải ba và 11 giải khuyến khích cho các thí sinh có giọng ca tốt, biểu diễn hay, gây ấn tượng.
Liên hoan dân ca cũng đã khơi dậy niềm đam mê dân ca trong đồng bào Khmer Nam Bộ, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như việc triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bốn, từ thành công của Liên hoan lần này, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, kêu gọi các đơn vị tài trợ tiếp tục đồng hành để tổ chức tiếp những liên hoan khác như: Liên hoan ca múa nhạc Khmer, Liên hoan trích đoạn sân khấu Dù kê trong những năm tới…
Trung Hiếu