Những lễ hội mùa xuân thu hút du khách hành hương trẩy hội năm mới cầu an, xin tài lộc, cầu cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt…
Lễ hội Đền Hùng - Ảnh: Báo Dân Trí
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mỗi năm Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước. Mỗi lễ hội mang một sắc thái và giá trị riêng của mỗi dân tộc. Phần lớn du khách đi lễ với mục đích dâng lễ cầu an, xin tài lộc, cầu cho mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt...Sau đây là những lễ hội mùa xuân thu hút du khách hành hương trẩy hội năm mới.
Lễ hội chùa Hương (Hà Nội)
Lễ hội Chùa Hương ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), cách Trung tâm thành phố không xa. Lễ hội bắt đầu từ ngày mòng 6 tháng Giêng cho đến hết tháng 3.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Hiện, du khách trẩy hội Chùa Hương khá đông dẫn tới quá tải về thuyền đi trên Suối Yến. Có những đoàn khách phải chờ hàng tiếng đồng hồ mới có thuyền.
Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)
Năm nay lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, Quảng Ninh) chính thức khai mạc vào ngày 11.1 âm lịch. Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… sẽ có thêm nhiều hoạt động mới hấp dẫn.Đặc biệt nhất là sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận vào các hoạt động của lễ hội vừa làm phong phú cho các chương trình vừa gắn chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em.
Yên Tử là danh thắng tâm linh nổi tiếng của cả nước, với nhiều quần thể chùa, đài, am tháp đã liên tục được bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của các Phật tử, du khách mọi phương về hành hương nơi đất Phật trong mỗi dịp xuân về. Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương.
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (Phú Thọ)
Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng diễn ra tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì , Phú Thọ. Đây là ngày hội truyền thống để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, được nhân dân ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài thành kính kỷ niệm.
Hội mở từ ngày 9 đến 13-3, chính hội vào ngày 10-3 âm lịch, có các nghi thức rước bánh chưng - bánh giầy. Ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày Quốc giỗ và cả nước được nghỉ lễ. Khắp các địa phương từ Bắc vào Nam đến các làng bản xa xôi đều long trọng hưởng ứng ngày Quốc Giỗ nhằm tưởng nhớ công ơn tôn vinh tổ tiên những người đã có công dựng nước và giữ nước. Cùng lúc với lễ hội dâng hương tại đền Hùng ở Phú Thọ còn có lễ dâng bái tại đền Hùng ở TP Hồ Chí Minh, đền Hùng ở Nha Trang và nhiều địa phương khác. Việc tế lễ được tổ chức rất trọng thể vào ngày chính hội (10/3 Âm lịch).
Lễ hội Bà chúa Kho (Bắc Ninh)
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, hiếm có ngôi đền nhỏ nào lại thu hút được nhiều khách thập phương, đặc biệt là giới kinh doanh, buôn bán như Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ngày khai hội vào 14.1 âm lịch. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc".
Trong dịp lễ hội, xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng tế, đông đúc người vào ra. Mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm, khi đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ, cầu kỳ thì con gà đĩa xôi, hay một mâm ngũ quả đủ đầy... chủ yếu là thành tâm cầu khấn.
Hằng năm, mặc dù ngày 14 tháng Giêng mới là ngày chính của Lễ hội, nhưng từ nhiều năm nay ngay từ những ngày đầu xuân và kéo dài trong cả tháng Giêng, dòng người đã đổ về đền Bà Chúa Kho rất đông.
Lễ hội Lim (Bắc Ninh)
Hội Lim luôn có sức hấp dẫn du khách gần xa - Ảnh: Báo Bắc Ninh
Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến.
Đến hẹn lại lên, mùa xuân này, hội Lim lại mở cho người dân và du khách thập phương dập dìu trảy hội, du xuân. Theo Ban tổ chức, lễ hội vùng Lim Xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-2 (tức 12, 13 tháng Giêng) tại ba xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim).
Trong suốt những ngày diễn ra có nhiều hoạt động đặc sắc trong cả phần lễ và phần hội. Phần lễ với nhiều nghi thức truyền thống, giàu bản sắc văn hóa quê hương, như lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim; rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim… Phần hội diễn ra sôi nổi với rất nhiều hoạt động, trò chơi nhằm mang lại không khí tươi vui, phấn chấn cho mọi người.
Lễ hội cầu Ngư (Huế)
Lễ hội cầu Ngư (Huế) - Ảnh: VOV
Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hóa có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành.
Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có "bủa lưới" mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét nghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển. Lễ hội Cầu Ngư là ngày hội của cả cộng đồng, tràn đầy lạc quan, hy vọng và cổ vũ cho cư dân thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn trong nghề sông nước.
Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh
Đây còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380m. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ. Lễ hội được tổ chức vào đầu mùa xuân, sau Tết nguyên đán, từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hằng năm, đến ngày lễ hội Đền Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm ngàn người.
Hội xuân núi Bà Đen năm nay khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống nổi tiếng Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ.Du khách có thể lên chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc hệ thống máng trượt, cáp treo.