logo
title

Mùa lễ hội Hà Nội 2019: Đã thấy những tín hiệu vui

Cập nhật ngày: 21/03/2019
Thời điểm này, những lễ hội lớn có sức thu hút nhiều du khách tại Hà Nội đã diễn ra. So với những năm trước, mùa lễ hội Hà Nội 2019 được tổ chức quy củ, bài bản hơn, chưa để xảy ra những hiện tượng phản cảm, đáng tiếc.

Lễ hội chùa Hương cơ bản được tổ chức tốt dù lượng khách dự hội luôn quá tải

Bình yên ngày khai hội

Ngay sau Tết Nguyên đán, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, các lễ hội lớn của Hà Nội đồng loạt diễn ra tại nhiều địa phương như: Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (Đông Anh), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)... Các lễ hội đã mang đến không khí đón xuân tươi vui, lành mạnh cho người dân và du khách.

Theo ghi nhận của HNMO, những tồn tại trong khâu tổ chức, quản lý tại các lễ hội đã được khắc phục so với trước. Lễ hội Gióng đền Sóc diễn ra bình yên với việc tán lộc trật tự, không xảy ra xô cướp như nhiều năm trước; lễ hội chùa Hương tuy vẫn “quá tải” nhưng với việc Ban tổ chức đưa vào sử dụng 4.000 đò có gắn biển đã giúp hạn chế tình trạng nhồi khách, an ninh, trật tự được giữ vững...

Gần đây nhất, lễ hội giằng bông Sơn Đồng - một trong những lễ hội được cho là “điểm nóng” của Hà Nội vì hay để xảy ra tình trạng xô đẩy, bạo lực - cũng diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh. Thanh niên, trai tráng trong làng khi tham gia giằng bông dù có quyết liệt tranh giành nhưng không xô xát. Du khách vì thế cũng thêm phấn khởi, an tâm khi dự hội làng.

Lễ hội giằng bông Sơn Đồng tuy có tranh giành nhưng không có xô xát, bạo lực

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VH-TT), Hà Nội hiện là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước với khoảng 1.206 lễ hội diễn ra tập trung vào mùa xuân. Nhiều lễ hội có quy mô vùng, thu hút hàng vạn du khách thập phương như: Hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội đền Cổ Loa, hội đền Hai Bà Trưng, hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội chùa Tây Phương, hội đền Và thờ Đức Thánh Tản… Nhiều lễ hội đã khôi phục được những phong tục, tín ngưỡng cổ có giá trị văn hóa sâu sắc.


Đánh giá về công tác tổ chức lễ hội 2019 của Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, hầu hết các lễ hội trong dịp đầu xuân Kỷ Hợi diễn ra vui tươi, lành mạnh, đảm bảo đúng quy định, kế hoạch đề ra. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi, trò diễn giàu tính nghệ thuật, đậm chất dân gian được quan tâm đưa vào lễ hội như: Hát quan họ, hát chèo, đấu vật, đánh đu, thổi cơm thi, múa sư tử, kéo co... Các lễ hội diễn ra cơ bản đảm bảo tiết kiệm và an toàn, được đông đảo dư luận nhân dân đánh giá cao.

Cần tăng cường quản lý và cảnh giác

Thời điểm này, Hà Nội đã làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Phần lớn những lễ hội được xem là thu hút đông du khách đều có phương án, kế hoạch tổ chức chặt chẽ, bài bản. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra làm thế nào để công tác tổ chức ấy được duy trì xuyên suốt mùa hội, bởi thực tế còn rất nhiều lễ hội chưa diễn ra. Những rủi ro tiềm ẩn trong các lễ hội làng vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.

Lễ hội Gióng đền Sóc đã không còn cảnh chen cướp lộc phản cảm

Còn nhớ năm 2018, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã tổ chức tốt lễ khai hội nhưng đến cuối mùa hội lại để xảy ra hình ảnh phản cảm không đẹp. Ngày 7/5/2018, nhà chùa tổ chức lễ Mông Sơn đại thí thực (lễ tạ, lễ khao) tại sân chùa Thiên Trù và đã để xảy ra tình trạng tranh giành lộc phản cảm. Dù là một nghi lễ được nhà chùa tổ chức thường niên nhưng việc thực hiện phát lộc không đúng cách đã dẫn đến việc người dân ứng xử thiếu văn minh. Đây được xem là bài học rất lớn để Ban tổ chức các lễ hội cảnh giác, đề phòng và có những phương án xử lý kịp thời.

Theo ông Tô Văn Động, đối với các lễ hội có quy mô lớn, tổ chức dài ngày, Sở VH-TT đều hướng dẫn các địa phương thành lập Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức lễ hội và cử cán bộ chuyên môn tham gia. Bên cạnh đó, Sở VH-TT cũng có cán bộ túc trực đường dây nóng để kịp thời xử lý những phản ánh của du khách khi có vấn đề.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên kiểm tra nhiều “điểm nóng” lễ hội.

Lễ hội Cổ Loa phát huy được giá trị truyền thống

Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội như: Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), đền Sóc (Sóc Sơn), đền Cổ Loa (Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), đền Và, chùa Mía (Sơn Tây); chùa Hương (Mỹ Đức), chùa Trầm, chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), Bia Bà (Hà Đông), đền Đức Thánh Cả (Ứng Hòa), đền Thượng (Ba Vì)... Việc tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên của đoàn thanh tra liên ngành phần nào giúp cho khâu tổ chức, quản lý thêm chặt chẽ và quy củ.

Mùa lễ hội Hà Nội 2019 khởi đầu khá bình yên với nhiều tín hiệu vui trong cả khâu quản lý, tổ chức lẫn ứng xử ngày càng văn minh, có hiểu biết của du khách. Dù vậy, một số hiện tượng chưa đẹp mang tính cố hữu vẫn diễn ra tại các lễ hội như: Chèo kéo khách, mất vệ sinh môi trường, hàng quán la liệt, thiếu chỗ gửi xe... Đó cũng là những câu hỏi mà cơ quan quản lý cần có kế hoạch xử lý để những mùa hội sau, các địa phương của Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, văn minh, hấp dẫn du khách.

Báo Hà Nội mới