logo
title

Đa dạng sinh học các hang ngầm và hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long

Cập nhật ngày: 07/05/2019
“Nghiên cứu giá trị của các hang ngầm và hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long” là đề tài nghiên cứu KH&CN của BQL Vịnh Hạ Long, nghiệm thu cấp tỉnh từ tháng 10/2017. Đến nay, các kết quả nghiên cứu đang từng bước được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long.

 

Đoàn nghiên cứu khảo sát tại một hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long. Ảnh do đơn vị cung cấp

Qua kết quả khảo sát tại 30 hồ nước mặn trên Vịnh Hạ Long phục vụ cho đề tài nghiên cứu cho thấy, có 2 dạng chính là hồ kín và hồ thông với biển, diện tích lớn nhỏ khác nhau từ dưới 1ha lên tới trên 5ha. Với 10 hang ngầm được khảo sát thì chủ yếu là hang có 2 cửa (hang thông) và hang có 1 cửa (hang kín). Có 4 kiểu sinh cảnh được xác định trong các hang ngầm và hồ nước mặn này, đó là: Bãi đá - cuội sỏi, bãi cát - cát bùn, rạn san hô và nền đáy bùn ứng với các quần xã sinh vật đặc trưng sống trong đó. Nghiên cứu cũng xác định được 206 loài thực vật phù du, 63 loài động vật phù du, 23 loài cá, 34 loài rong biển, 1 loài cỏ biển, 41 loài hải miên, 46 loài san hô, 124 loài động vật đáy với nhiều loài có giá trị kinh tế hoặc được dùng trong các ngành công nghiệp chế biến, y dược.

Trong số các loài cá kể trên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được 5 loài cá bổ sung cho danh mục cá Hạ Long (2 loài bổ sung cho danh mục cá biển Việt Nam) là Scorpaenodes minor, Scatophagus argus, Istigobius ornatus, Istigobius decoratus, Valenciennea strigata. Đối với rong biển có 1 loài mới ghi nhận cho khu hệ rong biển miền Bắc là Caulerpa verticilatata, 3 loài đặc hữu cho Vịnh Hạ Long là Gracilaria sp., Enteromorpha sp. và Ulva sp và 1 loài mới ghi nhận cho khu hệ rong biển Việt Nam (Lomentaria corallicola Boerg). Không phát hiện được nhóm loài nào sống chuyên biệt trong các hang ngầm và hồ nước mặn trên vịnh.

Với kết quả nghiên cứu về giá trị đa dạng sinh học tại các hang ngầm và hồ nước mặn, nhóm tiếp tục đề xuất các nghiên cứu khoa học mới để làm rõ hơn về giá trị đa dạng sinh học tại một số điểm có giá trị quan trọng. Bởi lẽ, ở hồ Ba Hầm 1 đã thu được mẫu loài cá Chình vân, loài được ghi mới cho khoa học, hiện mẫu mô đã gửi sang Nhật Bản để giám định về tên khoa học. Ở hồ Bọ Hung 1 lại có các loài san hô dạng phiến, dạng cột trụ và các loài rong sụn, rong mơ, rong quạt... Hay ở áng Cá Hồng lại xuất hiện loài cỏ biển Ruppia maritima hiện còn rất ít trên Vịnh Hạ Long…Đồng thời có thể xây dựng các chương trình giáo dục môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long tại một số điểm hang ngầm và hồ nước mặn có giá trị đa dạng sinh học cao, như: Hồ hang Sò, hồ Chân Voi, hang Ba Hang, áng Bù Xám, áng Dù…

Cũng từ các chuyến khảo sát, nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã phát hiện những hồ nước mặn và hang ngầm có các đặc trưng về cảnh quan, sinh vật có thể sử dụng để phát triển du lịch. Vì vậy, nhóm đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch mới cho các hồ Ba Hầm, Áng Dù, áng Cá Hồng với các loại hình dịch vụ, như: Leo núi, ngắm cảnh, câu cá thư giãn tại các hồ nước mặn, chèo kayak khám phá các hang ngầm… Cũng có thể đầu tư xây dựng các điểm tham quan hang ngầm và hồ nước mặn. Cụ thể, hang Ba Hang tổ chức thăm hang bằng thuyền nhỏ hoặc chèo kayak. Hồ Hang Sò và hồ Chân Voi tổ chức dịch vụ leo núi, ngắm cảnh, khám phá các thảm thực vật. Hang Chảy tổ chức dịch vụ thăm hang ngầm bằng thuyền nhỏ hoặc kayak. Các hồ Bù Xám, Cống Đỏ, Cá Rô, Trà Sản, Bọ Hung, Vụng Hà, các hang Trai, Cọc Chèo, hồ áng hang Thầy, hòn 289 tổ chức dịch vụ leo núi, ngắm cảnh, khám phá thảm thực vật tự nhiên và tổ chức các lớp giáo dục về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, môi trường.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo cần làm thận trọng, lựa chọn các hình thức du lịch phù hợp, tránh làm tổn hại đến cảnh quan và hệ sinh vật của các hồ, hang ngầm trên Vịnh Hạ Long.

Báo Quảng Ninh