Được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ, thung lũng Mỹ Sơn được biết đến là một nơi thâm nghiêm, kỳ bí. Từ thế kỷ thứ 4, vua Bhadravaman đã xây dựng ngôi đền đầu tiên bằng gỗ thờ Linga của thần Siva để làm nơi hành lễ, thờ tự.
Trải qua nhiều thế kỷ xây dựng và thờ tự, Mỹ Sơn trở thành trung tâm tôn giáo cực kỳ quan trọng của vương quốc Chămpa, tập trung nhiều công trình đền tháp tiêu biểu, đại diện các phong cách kiến trúc nghệ thuật Chăm, mang những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, và là minh chứng sinh động về một nền văn minh phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Năm 1895, Mỹ Sơn được người Pháp phát hiện sau 5 thế kỷ bị bỏ quên với hơn 70 đền thờ được tìm thấy. Họ nghiên cứu tại đây hơn 4 năm và đặt những nền móng đầu tiên cho quá trình trùng tu, tôn tạo. Năm 1904, các nhà khoa học Pháp đã hoàn thiện bước đầu cơ bản về việc đo vẽ và khảo sát, để bắt tay vào công cuộc trùng tu nhóm tháp A, A’. Cũng trong năm đó, tại Viễn Đông Bác Cổ, những tư liệu về Mỹ Sơn lần đầu tiên được người Pháp công bố với thế giới về quần thể kiến trúc gạch nung ở khu vực miền Trung Việt Nam, gây sự tò mò và thu hút lớn đối với nền khoa học thế giới lúc bấy giờ. Từ sau chiến tranh, Mỹ Sơn trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chương trình hợp tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo nhằm góp phần dựng lại một Mỹ Sơn thâm nghiêm, tráng lệ.
Giới khoa học và nghiên cứu nghệ thuật cho rằng, chạm đến Mỹ Sơn là chạm đến lịch sử, chạm đến những thước phim về thời gian của một nền văn minh từng phát triển rực rỡ với những giá trị nghệ thuật kiến trúc điêu khắc đạt đến đỉnh cao. Cho đến nay, việc giải thích sự tồn tại ngàn năm của viên gạch Chăm cổ, làm thế nào để chúng kết dính được vẫn là điều bí ẩn. Các mảng tường điêu khắc ở các ngôi đền tại Mỹ Sơn đều được chạm khắc hết sức tinh xảo và kỳ công với hệ thống tượng thần, tu sĩ, hoa lá, cỏ cây, muôn thú… Điều gây ngạc nhiên cho du khách thích khám phá nghệ thuật là trên các tường tháp, góc tháp, các nhà khoa học luôn tìm thấy được các tỷ lệ vàng của toán học, vật lý trong xây dựng. Chính vì vậy đã mang lại cho kiến trúc sự đăng đối nhưng không gò bó mà phóng khoáng, thanh thoát. Nghệ thuật Mỹ Sơn cho thấy các giai đoạn phát triển của phong cách nghệ thuật Chăm, đồng thời để lại cho hậu thế chúng ta về quá trình lao động nghiêm túc, sáng tạo của tiền nhân xưa.
Mỹ Sơn ngày nay là những gì còn lại về một vùng đất lâu đời chứa đựng những giá trị văn hóa to lớn của nền văn minh Chămpa; một vùng đất thâm nghiêm, trầm mặc luôn thu hút du khách và giới khoa học đến tham quan, nghiên cứu.