Đà Nẵng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch đường thủy nội địa nhưng đến nay loại hình du lịch này vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Mới đây, UBND thành phố vừa phê duyệt kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021, cụ thể là triển khai 8 tuyến du lịch đường thủy. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp trực tiếp đưa khách đến và các doanh nghiệp khai thác loại hình du lịch này thì cần có các sản phẩm cũng như phải đầu tư một cách bài bản thì mới tạo được sự bứt phá cho du lịch đường thủy nội địa.
Nên đầu tư các sản phẩm về tuyến, điểm để phát triển du lịch đường sông. Trong ảnh: Du khách đang làm thủ tục lên tàu để tham gia tour Trải nghiệm sông Hàn về đêm. Ảnh: THU HÀ
Ông Lê Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Pha Sơn, Chủ tàu du lịch Phú Quý:
Mong sớm có bến cảng du lịch đường thủy cố định
Mặc dù thành phố cũng đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thác du lịch đường thủy nội địa phát triển loại hình này, tuy nhiên vẫn còn những bất cập nhất định. Ví dụ như thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai 8 tuyến du lịch đường thủy nhưng mới chỉ thông báo thông tuyến, còn quy trình đi như thế nào, hoạt động ra sao, các doanh nghiệp trực tiếp khai thác vẫn chưa được đơn vị nào hướng dẫn cụ thể. Hay như tuyến đảo, có đồng ý cho doanh nghiệp đưa khách ra tham quan tại các đảo nhưng lại không cho khách lên đảo, chỉ chạy ra xem rồi chạy về, do bất cập là ngoài đảo không có cảng lên xuống cho du khách.
Sau mấy năm phát triển tuyến này nhưng không có nhà đầu tư nên các doanh nghiệp cũng không khai thác được khách ra tuyến đảo. Vì vậy, để có thể đưa khách đi từ cảng Sông Hàn đến các đảo như Sủng Cỏ, đảo Ngọc… thì có thể xây bến lên xuống ngoài đảo, hoặc các đơn vị liên quan cử người ra đảo để giám sát, hoặc có người đi cùng tàu để nắm bắt được tình hình cũng như việc khách vui chơi tại đảo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang khai thác du lịch đường thủy nội địa cũng rất mong thành phố sớm công bố một cảng dành cho du lịch đường thủy nội địa chính thức để không phải di dời mỗi khi thành phố có các sự kiện lớn… Phải có được cảng chính thức thì các nhà đầu tư mới dám rót vốn vào để xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà chờ, nhà vệ sinh, các dịch vụ đi kèm… Hiện nay, dù sông Hàn rất đẹp nhưng cảng đều tạm bợ khiến du lịch đường thủy nội địa không phát triển mạnh mẽ được.
Ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch VietNam TravelMart:
Xã hội hóa các điểm đến
Nhu cầu tham quan du lịch bằng đường thủy của khách du lịch khi đến Đà Nẵng là có và tiềm năng phát triển sản phẩm này rất tốt. Có thể nhìn thấy tiềm năng du lịch đường thủy nội địa (sông, biển) của Đà Nẵng là rất lớn nhưng thực tế hiện nay sản phẩm, tuyến, điểm rất nghèo nàn, khả năng đáp ứng các điểm đến còn hạn chế, hoạt động trong tuyến còn ít, chưa đầu tư bài bản.
Thành phố nên sớm đầu tư các điểm đến là các bãi bồi ở bán đảo chưa được đầu tư hạ tầng như cầu tàu, khu vực vệ sinh, khu vực cắm trại… quy hoạch, đầu tư hoặc kêu gọi xã hội hóa các điểm đến thuộc về làng quê dọc sông Túy Loan, sông Cầu Đỏ thành tuyến đi 1 ngày hoặc 1 ngày 1 đêm, có lưu trú homestay và trải nghiệm làng quê thuộc phía tây Đà Nẵng, khơi thông sông Cổ Cò để tạo tuyến du lịch đường sông vào Hội An…
Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Sự kiện và Du lịch kết nối mới (Necotour):
Thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao dưới nước
Một trong những lợi thế của Đà Nẵng so với những địa phương lân cận chính là dòng sông Hàn chảy ngay trong lòng thành phố. Vì thế tour đường sông kết hợp với đường biển nếu phát triển tốt sẽ rất thu hút khách. Tuy nhiên, đường sông của Đà Nẵng vẫn còn loay hoay chưa hoàn thiện để khai thác phục vụ du khách. Đơn cử như điểm dừng để cho khách lên xuống, phải có cơ sở vật chất, hạ tầng, điện nước, ăn uống, dịch vụ giải trí ở các điểm chờ cho khách, hay có thêm các dịch vụ vui chơi cho khách như chở khách ra cửa vịnh có thể có các môn thể thao dưới nước, trò chơi dưới nước…
Vì thế, thành phố nên đầu tư thêm các sản phẩm liên quan đến mặt nước nhiều hơn, khoanh vùng chỗ nào có thể đến tham quan, vui chơi được, chỗ nào không vui chơi được, tính toán phát triển bền vững, tôn trọng sự phát triển của tự nhiên, tránh tình trạng làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Omega:
Nên mạnh dạn cho làm thử
Lâu nay chúng ta chưa có sản phẩm đường thủy phù hợp, chưa có sản phẩm nào để phát triển đường sông, đường biển. Vì thế rất cần một doanh nghiệp thực sự lớn mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trước tiên là về cầu tàu, bến bãi lên, xuống cho khách. Sông Hàn rất đẹp, nhưng nếu không có một bứt phá thì sẽ rất khó phát triển. Vì thế cần phải có giới hạn nhất định đối với các nhà đầu tư đang khai thác dịch vụ trên sông hiện nay, nếu không có thay đổi làm mới thì nên dừng lại để người khác vào thay thế hoặc kêu gọi để cổ phần hóa…
Nếu hình thành được những con tàu đủ lớn, đủ sang trọng vừa đi được trên sông, vừa đi được trên vịnh sẽ góp phần “lột xác” sông Hàn. Vì thế cứ mạnh dạn cho doanh nghiệp đầu tư, làm thử, với những doanh nghiệp có tài chính và chuyên về du lịch đầu tư thì việc làm thay đổi sông Hàn sẽ không xa.
Nguồn: Báo Đà Nẵng