Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, nhiều di tích lịch sử- văn hóa ở huyện Yên Dũng được đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, tố hảo; nhờ vậy, một số di tích đã trở thành những điểm nhấn trong bức tranh phát triển du lịch trên địa bàn.
Năm 2018, chùa Cảnh Sơn ở xã Hương Gián (còn gọi chùa làng Chỗ) được đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Sau hơn 6 tháng khởi công, công trình hoàn thành gồm các hạng mục: Thượng điện, tiền đường, nhà mẫu, nhà ăn, khuôn viên… với diện tích hơn 3.000 m2. Ông Nguyễn Trọng Chỉ, Trưởng tiểu ban quản lý di tích chùa cho biết: “Tổng kinh phí đầu tư cho việc tu sửa, cải tạo chùa hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó ngoài 70 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh, 300 triệu đồng tiền công đức trong chùa, phần còn lại do người dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ. Thành quả này là sự chung tay của nhân dân 4 thôn Tân Tiến, Việt Tiến, Đông Tiến và Dũng Tiến”.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Yên Dũng hiện có gần 300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hai di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, hai di tích cấp quốc gia và 76 di tích cấp tỉnh. Ngoài chùa Cảnh Sơn, để khắc phục tình trạng xuống cấp, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho các điểm di tích, 5 năm qua, toàn huyện đã tu bổ, tôn tạo hơn 40 di tích được xếp hạng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, bên cạnh kinh phí hỗ trợ của cấp trên, các địa phương đã tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân cho hoạt động tu sửa di tích. Đơn cử, tại xã Thắng Cương, nhân dân công đức, đóng góp gần 1,6 tỷ đồng sửa chữa, xây mới nhiều hạng mục trong di tích đình và chùa Phấn Lôi.
Chùa Cảnh Sơn, xã Hương Gián (Yên Dũng) được đầu tư tu bổ
Chùa Lao, đền La Vũ Hầu ở xã Đức Giang cũng được tu bổ với kinh phí gần 900 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn lực trong nhân dân. Hay ở di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm cũng được mở rộng không gian, xây dựng Nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản, cải tạo hệ thống đường giao thông với kinh phí hơn 10 tỷ đồng… Trong đó, hơn 90% kinh phí tu bổ di tích trên địa bàn huyện từ năm 2014 đến nay được huy động thông qua xã hội hóa.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện, được biết: Cùng với hoạt động tu bổ, tôn tạo, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác tu bổ, tôn tạo gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích.
Thời gian qua, huyện đã mở nhiều hội nghị tập huấn nghiệp vụ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cho người làm công tác quản lý, trông coi, bảo vệ trực tiếp các di tích. Tích cực thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa để ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm. Cùng đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm chủ động tham mưu với UBND huyện các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Qua tìm hiểu thực tế, hiện 80/80 di tích xếp hạng của huyện đã thành lập ban quản lý cấp xã do Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng thời lập hồ sơ đo đạc bản đồ khoanh vùng bảo vệ (trong đó 49 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ở những điểm di tích lớn, đặc biệt là chùa Vĩnh Nghiêm có riêng một bộ phận thuyết minh của Trung tâm Văn hóa- Thông tin và Thể thao huyện thường trực đón tiếp khách, hướng dẫn, thuyết minh, quảng bá về di tích.
Để thuận lợi cho du khách về tham quan, tìm hiểu, các di tích trọng điểm của huyện đến nay cơ bản đã được cắm biển chỉ dẫn. Huyện chỉ đạo ngành chức năng định kỳ hai năm một lần tổ chức hội thi “Em yêu lịch sử quê hương Yên Dũng”; tổ chức biên soạn, phát hành ba tập với khoảng 6.500 bản in giới thiệu về hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Với cách làm này, nhiều địa điểm di tích nổi tiếng của huyện như: Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên), chùa Kem (xã Nham Sơn), đền Từ Vũ (xã Yên Lư), đình Ba Tổng (thị trấn Neo), Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An… được đông đảo du khách biết đến. Ngoài ra, hằng năm, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức lễ hội gắn liền với điểm di tích, theo phương châm khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo sức lan tỏa và dấu ấn trong bức tranh văn hóa chung của huyện.
Thường xuyên được tu bổ, tôn tạo, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng khang trang, tố hảo, phát huy giá trị trong đời sống, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển KT-XH. Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện thu hút hơn 200 nghìn lượt du khách đến địa bàn. Phần lớn đến với các di tích trọng điểm như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng, chùa Kem…
Quốc Trường