Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2025 phải xây dựng khu du lịch Cát Bà, quận Đồ Sơn cùng với Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này, một trong số các nhiệm vụ, giải pháp là đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp quốc tế đang được thành phố nỗ lực thực hiện.
Tập đoàn Sun Group đang khẩn trương xây dựng hệ thống cáp treo dài 21 km vượt biển kết nối đảo Cát Hải với các điểm du lịch trên đảo Cát Bà. Trong ảnh: Nhà thầu tập trung máy móc thi công trụ cáp treo. Ảnh: Trung Kiên
“Nút thắt” về hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao
Năm 2018, Cát Bà đón hơn 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, có hơn 608 nghìn khách quốc tế (tăng 30% so với năm 2017). 3 tháng đầu năm 2019, Cát Bà đón hơn 210 nghìn lượt khách quốc tế (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường đánh giá, Cát Bà hiện nay mới chỉ chủ yếu thu hút du khách quốc tế bình dân có mức chi tiêu hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do Cát Bà vẫn chưa có những khu vui chơi, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Cát Bà hiện nay chưa có khách sạn 5 sao, cũng chưa có công viên vui chơi, giải trí đủ sức thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
Đáng buồn hơn, nhiều năm qua, Đồ Sơn hầu như vắng bóng khách du lịch quốc tế. Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh thừa nhận, du lịch Đồ Sơn đang bị lạc hậu so với xu thế du lịch hiện nay của khách du lịch quốc tế. Cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí của Đồ Sơn lại càng thua kém hơn so với Cát Bà.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Hoàng Tuấn Anh, tiêu chí quan trọng của trung tâm du lịch quốc tế là phải thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài đến tham quan và nghỉ dưỡng. Trong khi đó, với hạ tầng du lịch hiện đại đẳng cấp hơn Hạ Long đang tăng tốc về thu hút khách du lịch quốc tế. Năm 2018, tổng số khách du lịch quốc tế đến Cát Bà và Đồ Sơn chỉ bằng ½ so với Hạ Long.
Hạn chế về hạ tầng du lịch được lãnh đạo thành phố chỉ ra từ lâu và có phương hướng khắc phục. Trong những năm qua, thành phố mời gọi, tạo điều kiện tối đa và thuận lợi nhất để các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch cao cấp tại 2 địa phương này. Song đến nay, vẫn chưa có dự án vui chơi giải trí tổng hợp nào được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gần 20 dự án phát triển hạ tầng du lịch lớn ở Đồ Sơn được phê duyệt từ nhiều năm qua nhưng chưa thành hình, điển hình là dự án khách sạn 5 sao của Tập đoàn Nam Cường (dự kiến đón khách vào cuối năm 2012, song hiện chưa xây xong phần thô). Tại Cát Bà, gần một nửa trong số hơn 20 dự án được thành phố giao đất, cho thuê đất đầu tư hạ tầng du lịch cũng chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm. Như Dự án Cát Bà Amatina có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Công ty Vinaconex ITC dự kiến đưa vào sử dụng năm 2015, đến nay đất vẫn bỏ hoang.
Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm triển khai dự án là do chủ đầu tư thiếu vốn. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều dự án bị đề nghị chấm dứt triển khai, thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp dù không đủ khả năng tiếp tục triển khai dự án song vẫn chây ỳ, đối phó để giữ đất.
Điểm sáng từ những tập đoàn lớn
Trong bối cảnh đó, điểm sáng về phát triển hạ tầng du lịch ở Cát Bà và Đồ Sơn hiện nay chính là những dự án của các Tập đoàn lớn đang được triển khai nhanh chóng. Điển hình là dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà của Tập đoàn Sun Group với tổng trị giá 6 nghìn tỷ đồng, gồm 40 hạng mục như: Cáp treo vượt biển từ Cát Hải sang Cát Bà, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, Sân golf Cát Bà 18 lỗ… Hiện nay, 2 cột trụ cáp treo đang được thi công khẩn trương và dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Tại cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố với Tập đoàn FLC cuối tháng 3 vừa qua, cũng thống nhất đẩy nhanh tiến độ thực hiện 6 dự án lớn, trong đó có Dự án Khu phức hợp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Đồ Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5,3 nghìn tỷ đồng.
Để đấy nhanh xây dựng hạ tầng du lịch, trong thời gian tới, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tại các trọng điểm du lịch Đồ Sơn, Cát Bà để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Sở Tài nguyên – Môi trường được UBND thành phố giao chủ trì cùng các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, xác định những doanh nghiệp, chậm triển khai dự án, vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Việc này cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc xử lý đối với những doanh nghiệp “đắp chiếu” đất dự án qua nhiều năm. Qua đó, tạo sự đột phá mạnh mẽ về hạ tầng du lịch cho 2 trọng điểm du lịch của thành phố, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra của Nghị quyết 45./.
Nguyễn Dương