Du lịch MICE loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện và du lịch khen thưởng. Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, cơ sở lưu trú đa dạng, điểm đến phong phú nên được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch MICE.
Cở sở hạ tầng, lưu trú được đầu tư, góp phần thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng. Trong ảnh: Một đoàn khách quốc tế tổ chức hội thảo, hội nghị tại Furama Resort.
Ngành du lịch thành phố đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, có sức cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE… nhằm phát huy lợi thế của địa phương, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Báo cáo của Sở Du lịch cho thấy, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về khách du lịch đến Đà Nẵng giai đoạn 2016-2018 đạt 17,5%/năm, trong đó khách quốc tế 30,9%/năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về tổng thu du lịch trong 3 năm qua là 28,4%/năm. Giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng cơ sở lưu trú du lịch khoảng 15,38%, tốc độ tăng trưởng về số lượng phòng khoảng 20,54%.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có khoảng 828 cơ sở lưu trú với hơn 38.006 phòng, tăng 94 cơ sở với 5.622 phòng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách sạn 3-5 sao và tương đương là 193 khách sạn với 23.389 phòng, chiếm 63,5% tổng số phòng. Việc đa dạng các cơ sở lưu trú lớn với nhiều loại phòng hội nghị, hội thảo, đủ tiêu chuẩn phục vụ đa dạng nguồn khách cũng như những đoàn có số lượng khách lớn là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng phát triển du lịch MICE.
Đại diện các đơn vị khai thác khách du lịch đều đánh giá Đà Nẵng là địa phương có nhiều lợi thế nhất cho khách MICE do có những bờ biển dài đẹp, lại nằm ở cửa ngõ của các di sản thế giới tại miền Trung; đặc biệt là giao thông thuận tiện cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không và khả năng cung ứng dịch vụ phòng họp, không gian hoạt động tập thể, ngoài trời đa dạng để tổ chức các hoạt động liên quan đến du lịch MICE.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, cho rằng, việc Đà Nẵng đang từng bước được khách hàng, đối tác lựa chọn để tổ chức du lịch MICE mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch của thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là những thách thức lớn như số lượng trung tâm hội nghị có thể chứa được số lượng khách hàng đông từ 3.000-4.000 khách, hay làm sao để để cung cấp được dịch vụ vận chuyển cho cả ngàn khách cũng là một vấn đề cần quan tâm.
Đà Nẵng tuy có nhiều đường bay quốc tế, nhưng mỗi đường bay lại chỉ có một hoặc vài chuyến sẽ rất khó cho những đoàn khách lớn, đông người. Khách sạn 3-4 sao tại Đà Nẵng chiếm đa số nhưng số phòng mỗi khách sạn không nhiều khiến các đoàn lớn thường phải chia ra ở nhiều nơi và giá thành cũng là một điều cần phải tính đến.
“Hiện Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng có phòng hội nghị lớn nhất nước và từng tổ chức các sự kiện lớn như Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Một giải pháp khả thi là tăng cường hợp tác giữa Ariyana và các công ty lữ hành để cùng thu hút khách đoàn và MICE”, ông Quỳnh gợi ý.
Du lịch MICE thường có lượng khách đông, vì vậy cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ như cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển…Trong ảnh: Một đoàn khách tham gia hoạt động ngoài trời tại biển Tiên Sa.
Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, ông Trần Trà lại cho rằng, với những thị trường khách mới mà thành phố đang xúc tiến và hướng tới thì cần chú ý đến những sở thích, thói quen vì những nhu cầu chuyên biệt.
Ví dụ như thị trường khách Ấn Độ và Trung Đông cần có những nhà hàng chuyên đồ ăn Hala hay không gian làm lễ dành cho các khách có nhu cầu. Thực tế, dòng khách MICE từ thị trường Ấn Độ đang ngày một tăng cao, đây cũng là nguồn khách tiềm năng mà các khách sạn nên quan tâm để có thể duy trì và thu hút thêm khách.
Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành thuộc Sở Du lịch cho hay, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định về tầm nhìn chiến lược của những ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có du lịch là ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, sản phẩm du lịch MICE, du lịch sinh thái, văn hóa…
Vì vậy, để có thể khai thác có hiệu quả các nguồn khách và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, cần đánh giá rõ thực trạng nguồn khách thời gian qua và có sự định vị nguồn khách cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú bên cạnh việc cạnh tranh về giá, cũng cần quan tâm đến chất lượng dịch vụ để không ảnh hưởng đến điểm đến. Thời gian tới, ngành sẽ tập trung phát triển đi vào chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo; sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái.
Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ, chú trọng đến từng phân khúc thị trường khách, tập trung phát triển loại hình du lịch MICE, nghỉ dưỡng biển, các trung tâm mua sắm có quy mô lớn, hướng đến phân đoạn thị trường mục tiêu khách công vụ theo đoàn khách trung niên nghỉ dưỡng cao cấp…
Bài và ảnh: Thu Hà