logo
title

Sơn La chú trọng khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch

Cập nhật ngày: 08/11/2019
Với những cách làm sáng tạo, tỉnh miền núi Sơn La đã thu được những thành công bước đầu trong khai thác, phát huy các tiềm năng du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của địa phương cũng như tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Cách Hà Nội khoảng 150 km, Sơn La nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, với những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Tỉnh Sơn La có 4 loại địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch là: núi, đồi, đồng bằng và sông hồ. Các loại địa hình đặc trưng này đã tạo cho Sơn La những tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, hấp dẫn.

Để khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương, những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển du lịch, với mục tiêu tạo bước đột phá về phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, những năm gần đây, du lịch Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, số lượt khách du lịch đến Sơn La ngày càng tăng, điểm đến, sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, để lại dấu ấn cho du khách.

Cao nguyên Mộc Châu, điểm đến hấp dẫn của du lịch Sơn La. (Ảnh: ĐP)

Có được những kết quả tích cực đó là do Sơn La đã tập trung đẩy mạnh công tác quảng bá và xúc tiến du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ, đẩy nhanh các dự án đầu tư du lịch; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động liên kết phát triển du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhằm thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng tăng cường công tác quản lý quy hoạch đảm bảo được sự hài hòa trong phát triển du lịch gắn với giữ gìn các bản sắc văn hóa của địa phương.

Đặc biệt, với lợi thế, tiềm năng, sẵn có, Sơn La đã lựa chọn cách đi phù hợp đó là tập trung phát triển du lịch theo ba hướng chính: phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng nghề; du lịch sinh thái rừng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh. Trong đó, các địa phương đã duy trì và khai thác hiệu quả các điểm du lịch cộng đồng, như: Bản Hua Tạt, bản Nà Bai huyện Vân Hồ; bản Áng xã Đông Sang huyện Mộc Châu; bản Lướt, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; bản Bon, xã Mường Chiên huyện Quỳnh Nhai và các hoạt động du lịch trải nghiệm “thiên đường mây Tà Xùa”, “Sống lưng khủng long” xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên; du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La...

Nhiều điểm đến về du lịch tâm linh cũng có sức thu hút lớn đối với khách du lịch. Điển hình như: Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han, huyện Quỳnh Nhai; Cây đa Mường Hung và Đền thời Hai Bà Trưng, huyện Sông Mã; Di tích tháp Mường Và, huyện Sốp Cộp; Văn bia Quế Lâm ngự chế; Đền thờ vua Lê Thái Tông Thành phố Sơn La... Cùng với đó, việc tổ chức các lễ hội định kỳ như Lễ hội Trà Mộc Châu; Ngày hội Xoài - Yên Châu; Tổ chức Hội hoa xuân... cũng góp phần tăng cường sự hiện diện của Sơn La trên bản đồ du lịch cả nước.

Anh Lê Đình Dũng, du khách đến từ tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi ấn tượng với cách làm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Thái ở Mộc Châu, Sơn La. Họ vừa nhiệt tình, hiếu khách; vừa có ý thức trong bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Nhất định tôi sẽ cùng bạn bè quay lại Sơn La”.

Du khách trải nghiệm tour du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La. (Ảnh: TT)

Với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững và hội nhập quốc tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, tỉnh Sơn La còn tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến du lịch, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy để hỗ trợ phát triển du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các điểm du lịch, các bản du lịch cộng đồng. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu giải trí chất lượng cao tại các điểm du lịch. Thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện cho các bản và các hộ gia đình tham gia phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho các hộ kinh doanh du lịch, cộng đồng bản làm du lịch cộng đồng.

Trao đổi về việc phát triển ngành du lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy chia sẻ, chủ trương chú trọng khai thác các tiềm năng du lịch đã bước đầu mang lại cho tỉnh những kết quả tích cực. Theo thống kê năm 2018, lượng khách du lịch tới Sơn La là trên 2 triệu lượt, trong đó khách lưu trú khoảng trên 1,2 triệu lượt; khách nội địa trên 1,1 triệu lượt; khách quốc tế 70.000 lượt, doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt trên 1.300 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2019, các điểm du lịch của Sơn La đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm; trong đó, 71.000 lượt khách nước ngoài; tổng doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 1.225 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay thực tế ở Sơn La mới chỉ có loại hình du lịch cộng đồng và du lịch lễ hội thu hút được nhiều du khách. Việc chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ làm cho địa phương mất đi nguồn thu không nhỏ mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch Sơn La đến du khách trong nước và quốc tế.

Với quyết tâm đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, thời gian tới, Sơn La sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, Sơn La cũng sẽ có cơ chế hỗ trợ đối với việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Sơn La; khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng... Qua đó, từng bước đưa du lịch Sơn La phát triển hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Đặng Phương

dangcongsan.vn