Đó là một trong những nhiệm vụ chính trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" của thành phố Cần Thơ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân sinh
Theo đó, về cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế, sẽ tập trung ưu tiên nhóm thị trường gồm: thành phố Nice – Pháp; thành phố Sán Đầu – Trung Quốc; tỉnh Chachoengsao – Thái Lan; thành phố Kaposvar – Hungary; thành phố Jeollanamdo – Hàn Quốc; các quốc gia Đông Nam Á; các quốc gia thuộc tiểu vùng Mê Công mở rộng gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc; Nhóm thị trường truyền thống: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Úc, New Zealand và Nhật Bản đối với các sản phẩm du lịch đặc thù như trải nghiệm văn hóa, đời sống sông nước, sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa…. Đồng thời đẩy mạnh thu hút thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Cần Thơ có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch ẩm thực và tăng dần tỷ trọng khách không đi theo chương trình du lịch trọn gói, tự trải nghiệm và khám phá Cần Thơ.
Về thị trường khách du lịch nội địa, tiếp tục phát triển mạnh thị trường du lịch nội vùng, thị trường khách đến từ Thủ đô Hà Nội, các tỉnh vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng…; chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích tìm hiểu đời sống sông nước, sinh thái, lễ hội, văn hóa.
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch và nguồn lực phát triển du lịch. Cụ thể, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp; Thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch thông minh, du lịch cộng đồng; Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khuyến khích đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư phát triển hạ tầng du lịch; Huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch; Khai thác hiệu quả các nguồn lực tài nguyên tự nhiên và văn hóa; Sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp; Đầu tư phát triển du lịch gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ xanh - sạch - tái tạo.
Việc cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh du lịch và con người Cần Thơ./.
Thanh Thủy