“Một lễ hội đậm hình ảnh của dừa!”, chị Christine Nguyễn (Việt kiều Mỹ) đã hào hứng chia sẻ như thế về cảm nhận khi trở về quê hương nhân dịp Lễ hội Dừa (LHD) năm nay. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được thiết kế có nhiều yếu tố văn hóa, nhất là nêu được các giá trị và làm bật lên hình ảnh cây dừa, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách về một Bến Tre năng động, phát triển và đậm đà tình quê.
Tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Bước nhảy đường phố. Ảnh: Thanh Đồng
Những nét độc đáo
LHD tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 là một lễ hội có nhiều nét độc đáo so với những lần được tổ chức trước đây. Có thể điểm qua những cái nhất đó là: có nhiều hoạt động nhất với hơn 20 nội dung, tiểu mục; quy tụ số lượng tham gia, tham dự nhiều nhất (hàng chục ngàn lượt khách tham dự khai mạc, bế mạc, khách tham quan, tham dự các sự kiện, chưa tính du khách); có số lượng món ăn tham gia Liên hoan ẩm thực từ nguyên liệu dừa nhiều nhất (300 món), trang phục chế tác từ chất liệu dừa nhiều nhất (hơn 150 bộ), hình ảnh về dừa nhiều nhất (lan tỏa trên các phương tiện truyền thông)…
Trong đó, điển hình như: Liên hoan “Trình diễn thời trang bằng chất liệu dừa tỉnh Bến Tre năm 2019” là một trong những hoạt động vô cùng đặc sắc, thú vị với 36 đội tham gia đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường Cao đẳng, lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên và các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đã tạo điều kiện để các bạn trẻ tỉnh nhà thể hiện tài năng sáng tạo với chất liệu từ dừa; đồng thời, tạo không khí vui tươi phấn khởi để LHD thật sự trở thành ngày hội của cộng đồng, phát huy các giá trị nhân văn, giáo dục truyền thống văn hóa.
Trang phục từ nguyên liệu dừa là vậy, còn trong ẩm thực từ nguyên liệu dừa cũng không kém phần đa dạng. Theo xác nhận từ phía Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đây là lần quy tụ nhiều nhất món ăn từ nguyên liệu dừa với hơn 300 món ăn, món bánh, chè, nước uống (lần nhiều nhất trước đây là gần 200 món) do các chị em phụ nữ trong tỉnh thực hiện.
Cùng với dừa, có thể nói chiếc áo bà ba là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong suốt mùa lễ hội dừa năm nay. Không kể ngày hội chính quy tụ hơn 2.000 người mặc áo bà ba tham dự, từ trước đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Bến Tre đã triển khai cho nữ công chức, viên chức mặc áo bà ba trong thời gian diễn ra lễ hội. Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, Ban giám đốc đã có chủ trương cho nhân viên nữ mặc trang phục áo bà ba đồng phục (áo vàng, quần xanh); cả nam và nữ đều có khăn rằn choàng cổ trong buổi chào cờ sáng thứ Hai (18-11). Riêng nhân viên nữ sẽ hưởng ứng mặc áo bà ba suốt trong tuần diễn ra lễ hội.
Các thuyết minh viên ở một số di tích trên địa bàn tỉnh cũng mặc áo bà ba để hưởng ứng không khí của lễ hội. Theo các thành viên Tổ thuyết minh Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm), thường ngày thuyết minh viên vẫn mặc áo bà ba hoặc áo dài để đón khách, nay thì tổ chọn áo bà ba làm trang phục chính và nhận được nhiều lời khen của du khách khi đến tham quan.
Nhiều du khách tham quan phố đi bộ cũng đã đầu tư áo bà ba để chụp ảnh. Cô Phạm Thị Huyền Thu ở An Khánh, huyện Châu Thành duyên dáng trong chiếc áo bà ba màu tím cho biết: “Cô rất thích áo bà ba, khi mặc áo bà ba thì cảm thấy mình đẹp hơn nên vừa hưởng ứng ngày hội, vừa để mặc đẹp chụp hình, cô chọn áo bà ba để cùng người thân tham quan lễ hội”.
Cộng đồng cùng vui hội
Hòa cùng không khí của LHD, các hoạt động cộng đồng đã lan tỏa từ ấp, khu phố đến các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước ngày diễn ra khai mạc, một số cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở thờ tự, phật giáo trên địa bàn TP. Bến Tre cho trang hoàng cổng lá dừa. Cùng với đó là để chuẩn bị cho Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tại các khu phố trên địa bàn cũng đã trang trí cổng chào lá dừa, hòa cùng phố phường rực rỡ cờ hoa càng làm cho không khí LHD thêm sôi nổi.
Các chương trình chính của LHD diễn ra trong hai ngày cuối tuần là thời điểm thuận lợi để du khách xa gần đến tham quan, vui chơi. Từ sáng ngày 16-11-2019, khu vực phố đi bộ gần sân khấu chính đã bắt đầu hoạt động, du khách đến tham quan, chụp ảnh rất náo nhiệt. Tuyến phố đi bộ bố trí nhiều tiểu cảnh nông thôn với bến nước, bờ dừa, nhất là những không gian đậm chất văn hóa như: Trưng bày các nhạc cụ từ dừa của nghệ nhân Võ Văn Bá, gian hàng trình diễn nghề truyền thống, chợ quê, khu vực đọc sách của Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, hàng tranh thư pháp… đã tạo thành một tổng thể nhất quán, hài hòa. Không gian phố đi bộ cũng là nơi tập trung diễn ra hàng loạt các hoạt động cộng đồng vui hội như: Liên hoan bước nhảy đường phố, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, diễn xướng dân gian… phục vụ du khách suốt thời gian lễ hội.
Qua lời mời gọi của người bạn thân, anh Trần Thanh Tuấn (Bình Dương) lặn lội đường xa để cùng chung vui với ngày hội lớn của quê hương xứ Dừa. Khi đi một vòng ở quanh phố đi bộ, anh Thanh Tuấn tỏ ra thích thú với chiếc cầu dừa, mương sen. Anh và gia đình cùng đã tự tay cán và thưởng thức bánh phồng tại không gian trình diễn nghề truyền thống, chợ quê. “Đó là những trải nghiệm mà chúng tôi không bao giờ có ở Bình Dương. Kỳ nghỉ cuối tuần dịp LHD tại Bến Tre thật tuyệt vời trong chúng tôi”, anh Thanh Tuấn bộc bạch. Cô Trần Thị Nhôm quê ở thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cũng hào hứng bày tỏ: “Khu vực phố đi bộ trang trí rất là nhiều dừa nên mình nhìn vào là biết ngay LHD, từ cổng dừa đến hàng loạt tiểu cảnh đều có hình ảnh dừa, rất đẹp. Đây là lần đầu tiên nhóm chúng tôi về Bến Tre và cũng nhờ vậy mà biết được nhiều hình ảnh sông nước miền Tây”.
Những hình ảnh đẹp đẽ về dừa, về văn hóa, vùng đất và con người xứ Dừa được lan truyền rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh. Nhiều tình cảm yêu mến, thân thương đã dành cho quê hương Đồng Khởi - một vùng đất anh hùng qua hai cuộc chiến tranh đang từng ngày đổi mới trên con đường hội nhập hướng tới tương lai.
Nhóm PV