logo
title

Quảng Nam: “Bảo tồn và Phát triển - Từ góc nhìn cộng đồng”

Cập nhật ngày: 18/12/2019
“Bảo tồn và Phát triển - Từ góc nhìn cộng đồng” là chủ đề của tọa đàm do Chương trình tài trợ các dự án án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP/GEF SGP) phối hợp với UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) tổ chức tại Hội An vào cuối tuần qua.

Đại biểu tham quan thực địa

Tọa đàm nhằm nhận dạng các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế- xã hội dựa vào tài nguyên thiên nhiên; cân bằng giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển, đặc biệt trong phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Làm thế nào để phát triển du lịch không làm tổn thương tài nguyên văn hóa, cảnh quan, thu hút được cộng đồng địa phương tham gia, cùng sẻ chia lợi ích khai thác, trách nhiệm bảo tồn là điều mà nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm. Trong câu chuyện giải bài toán ấy, cộng đồng địa phương đóng vai trò rất quan trọng, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn du lịch. Những câu chuyện thực tế được chia sẻ tọa đàm như câu chuyện bảo vệ bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Từ dự án bảo vệ khu bảo tồn được Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam được triển khai hơn 15 năm trước và thực hiện trong vòng 5 năm. Đến nay, đàn voọc mông trắng với 41 cá thể trước đây giờ đã tăng lên hơn 100 cá thể. Những người dân địa phương đóng vai trò tích cực nhất để bảo vệ khu bảo tồn, sinh kế khi hàng trăm hộ dân ở đây được cấp phép trang bị ghe thuyền chở khách du lịch tham quan.

Hay như câu chuyện thành lập Tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) từ năm 2014 đã giúp cho việc khai thác và tiêu thụ cua đá trở nên chặt chẽ, bài bản hơn và nhờ đó mà công tác bảo tồn cua đá quy củ, ổn định hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP), bảo tồn văn hóa là vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều mô hình thực tiễn về bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa kết hợp hài hòa với phát triển sinh kế, DLCĐ tại nhiều địa phương trên toàn quốc như Đà Nẵng, Quảng Nam, TT Huế, Ninh Bình,… đã được các đại biểu đại diện cư dân sinh sống ở các điểm đến du lịch mang đến tọa đàm, chia sẻ. Đồng thời tạo diễn đàn để cùng nhau thảo luận, đề xuất giải pháp, khuyến nghị cho phát triển DLCĐ dựa vào bảo tồn và không rác thải nhựa.

Thu Hoài

Báo Văn Hóa