logo
title

Hà Nam nỗ lực thay đổi diện mạo du lịch

Cập nhật ngày: 19/06/2020
Với làng trống Đọi Tam, đền Trần Thương, làng Vũ Đại… Hà Nam thường được du khách biết đến là nơi giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Nhưng để thu hút du khách, giữ chân họ lâu hơn, Hà Nam đã và đang có những thay đổi quan trọng. Một trong số đó là việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược tại địa phương.

Khi khảo sát khách sạn Mường Thanh tại Hà Nam vào tháng 6, nhiều doanh nghiệp du lịch ngạc nhiên với sự thay đổi của du lịch địa phương. Chị Vũ Thị Thanh Hà, Công ty du lịch Esyways Travel thích thú với phòng tổ chức sự kiện có sức chứa lên tới 1.000 người của khách sạn. “Hà Nam ngay gần Hà Nội mà có phòng tổ chức sự kiện chuyên nghiệp như vậy thì các đoàn khách cần gì phải đi đâu xa để tổ chức sự kiện”, chị Hà nhận xét.

Nói về thế mạnh và các công việc mà tỉnh Hà Nam đã và đang làm được, bà Đinh Thị Lụa, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều nghị quyết, quy hoạch, đề án phát triển du lịch. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, các hoạt động thu hút đầu tư phát triển du lịch được đẩy mạnh, nhiều dự án phát triển du lịch được tập trung đầu tư và đi vào hoạt động. Các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp được đầu tư xây dựng và đưa vào phục vụ du khách. Số lượng khách du lịch đến Hà Nam không ngừng tăng, bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng 20-25%. Đặc biệt, trong năm 2019, Khu du lịch Tam Chúc hoàn thành giai đoạn 1, triển khai đón khách và đăng cai tổ chức các hoạt động tôn giáo, văn hóa, du lịch lớn, góp phần tạo bước đột phá cho du lịch Hà Nam khi thu hút gần 3 triệu lượt khách về địa bàn tỉnh trong năm 2019.

Một góc khu du lịch Tam Chúc của tỉnh Hà Nam.

Được biết, sau thời gian triển khai xây dựng, đến nay Hà Nam đã hoàn thành quy hoạch 5 khu, điểm du lịch trọng điểm, đó là: Khu du lịch Tam Chúc; điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Lảnh Giang; đền Bà Vũ; khu trung tâm lễ hội thuộc quần thể Di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương; điểm du lịch nhân văn tưởng niệm nhà văn Nam Cao. Nhiều điểm trong số này đã bắt đầu đón khách tham quan từ đầu năm 2019 và tạo sức bật quan trọng cho du lịch Hà Nam. Một số tuyến tour nội tỉnh, ngoại tỉnh cũng được khai thác, phục vụ khách du lịch giữa Hà Nội-Hà Nam-Nam Định-Thái Bình-Ninh Bình...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng và có thời gian phải dừng hoạt động. Vì thế, tỉnh Hà Nam xác định du lịch nội địa sẽ là lực đẩy khôi phục ngành dịch vụ-du lịch và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương. Theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB lữ hành Unesco Hà Nội: “Một trong các giải pháp để thu hút khách là Hà Nam cần hỗ trợ các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), hội thảo, giải golf, hoạt động nhóm lớn đến nghỉ đêm tại địa phương bằng các hình thức quà tặng, tài trợ địa điểm, chính sách tài chính nếu có thể”.

Bài và ảnh: Lan Dịu

Báo Quân đội nhân dân