logo
title

Phát triển vui chơi giải trí, tăng nguồn thu và thúc đẩy du lịch

Cập nhật ngày: 26/06/2020
So với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé, còn nhiều dư địa phát triển, nhưng cần giải được bài toán để quản lý chặt chẽ để phát huy được những đóng góp tích cực, đồng thời hạn chế tiêu cực về mặt xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh:VGP.

Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài tổ chức ngày 23/6 tại Hà Nội.

Hỗ trợ phát triển du lịch

Ở Việt Nam, đầu năm 2017, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực vui chơi có thưởng được hoàn chỉnh ở cấp Nghị định của Chính phủ, theo đó, 3 loại hình vui chơi có thưởng được phép kinh doanh gồm: Đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng (TCĐTCT) dành cho người nước ngoài.

Đến nay, đã có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh TCĐTCT và một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động với tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, không thể không xây dựng ngành công nghiệp giải trí bao gồm các khu vui chơi, mua sắm buổi tối, các trung tâm giải trí chất lượng cao, các trường đua chó, đua ngựa có đặt cược, các hoạt động thể thao có thưởng và casino.

Dẫu vậy, dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã được cấp phép đã đi vào hoạt động lĩnh vực này nhưng kết quả còn quá khiêm tốn, gây lãng phí vốn đầu tư, nguồn nhân lực vì không khai thác có hiệu quả tiềm năng đã có.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên nhân của hạn chế một phần vì nhận thức và quan điểm coi là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội; mà chưa có cách tiếp cận đa chiều. Hệ thống luật pháp có liên quan đến du lịch kết nối văn hóa - thể thao- giải trí còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này. Chúng ta chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động du lịch kết nối văn hóa - thể thao - giải trí để chia sẻ thông tin, hợp tác quảng bá du lịch, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác cùng có lợi.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, Việt Nam được xếp hạng 6/10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Nhưng bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh ấn tượng của ngành du lịch, vẫn còn tồn tại một số điểm yếu của du lịch Việt Nam trong đó phải kể đến việc  các sản phẩm dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí còn chưa đa dạng phong phú. Việc phát triển ngành vui chơi giải trí có thưởng còn góp phần đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ, tạo sự đặc sắc và khác biệt. Đặc biệt, lĩnh vực này sẽ góp phần gia tăng doanh thu và nộp thuế cho ngân sách

Giải bài toán cơ chế quản lý

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài (Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ KH&ĐT) cho biết, đến nay doanh thu lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài của cả nước đạt 13.248 tỷ đồng tăng 22,8% so với năm 2017, gấp 2 lần so với năm 2013, thị trường này tăng trưởng đều qua các năm.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, hiệu quả kinh tế này là chưa cao do một số nguyên nhân như, đối tượng đang hướng đến vẫn chỉ là người nước ngoài, Việt Nam chưa coi đây là ngành kinh doanh chính và doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào số lượng du khách ưa thích lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp triển khai dịch vụ này mới chỉ coi ngành vui chơi giải trí có thưởng chỉ là ngành bổ trợ, gia tăng giá trị cho khách sạn 5 sao. Ngoài ra, kết quả hoạt động kinh doanh của lĩnh vực này còn phụ thuộc vào lượng khách du lịch và sở thích của phân tầng khách

Dù được các chuyên gia nhận định là “mảnh đất màu mỡ”, là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, nhưng thực tế, hoạt động của lĩnh vực này chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã nêu lên nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển hợp lý hoạt động vui chơi có thưởng.

Với nhiều năm kinh nghiệm tham gia trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực vui chơi có thưởng, ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Chủ tịch VABIS Group ủng hộ quan điểm nên mở cửa cho tất cả các loại hình vui chơi có thưởng nói chung và cá cược thể thao nói riêng, tuy nhiên, các cánh cửa cũng cần phải có “lưới” phù hợp để ngăn chặn sự xâm nhập của những phần tử có hại, gây tác động xấu đến văn hóa, xã hội.

Cần có bộ máy quản lý điều hành tốt, khai thác được tối đa các lợi ích kinh tế mà ngành cá cược thể thao mang lại, trong khi vẫn đảm bảo an toàn và trật tự xã hội. Bên cạnh đó, ông Mỹ cũng đề xuất nên quản lý cá cược thể thao bằng công nghệ 4.0 bởi đây là xu thế tất yếu đảm bảo chính xác, minh bạch, an toàn và chống thất thu ngân sách.

Còn ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hoạt động vui chơi giải trí có thưởng được xác định là bộ phận hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Do đó, khi Chính phủ đã định hướng du lịch là ngành mũi nhọn thì vui chơi giải trí có thưởng là 1 bộ phận cấu thành.

Dù vậy, đây là ngành nghề kinh doanh đặc thù, có tác động đến an ninh, trật tự xã hội nên tại các nước cho phép kinh doanh ngành nghề này, Chính phủ đã ban hành khung pháp lý đầy đủ để quản lý, giám sát chặt chẽ, có đủ chế tài của pháp luật, tránh những hệ luỵ tiêu cực phát sinh.

Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, trong thời gian tới, sẽ thực hiện kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng, đặt cược theo hướng đấu thầu công khai, minh bạch với quốc tế, hạn chế kinh doanh bất hợp pháp, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

“Bộ Tài chính tiếp tục rà soát Nghị định 03/2017/NĐ-CP về kinh doanh casino để sửa đổi theo hướng hình thành các tổ hợp giải trí quy mô lớn, vốn tối thiểu 2 tỷ USD, với đủ các dịch vụ như du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí, đảm bảo tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển”, ông Nguyễn Minh Tiến cho hay.

Anh Minh

Báo Chính phủ