Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo khoa học "Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam".
Chương trình "Lễ hội áo dài" được tổ chức tại các kỳ Festival Huế. Nguồn: Toquoc.vn
Hội thảo nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị Áo dài truyền thống Huế, đưa Áo dài đến gần hơn trong cộng đồng, đồng thời tạo tiền đề để các ngành chức năng xây dựng hồ sơ công nhận Áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, đại biểu đã trao đổi, thảo luận các chủ đề như: Những cải cách trang phục đối với Áo dài Việt Nam và những đóng góp về quy định trang phục cung đình, trang phục dân gian trong phạm vi toàn quốc; phân tích và đánh giá các giá trị đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng… của Áo dài trong dòng chảy văn hóa - lịch sử Huế, xây dựng và khẳng định Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam.
Đồng thời cũng đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Áo dài trong bối cảnh đương đại; những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu Áo dài Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh; Áo dài với phát triển kinh tế du lịch; nâng cao sức sáng tạo, đa dạng trong chất liệu, màu sắc để bắt nhịp cuộc sống đương đại dựa trên nền tảng dấu ấn văn hóa, lịch sử phù hợp với thị hiếu thời trang, gần gũi hơn với đời sống người dân nhưng không đánh mất đi hồn cốt của chiếc Áo dài truyền thống.
Bên cạnh đó là những ý tưởng, định hướng để phát triển Áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam thông qua việc thành lập "Bảo tàng Áo dài"; phát triển nhiều nghệ nhân may Áo dài, cùng đội ngũ thợ may chuyên nghiệp nổi tiếng; hình thành nhiều hơn nữa các món quà lưu niệm cho mỗi du khách khi đến thăm Cố đô Huế; tăng cường tuyên truyền và nâng cao trách nhiệm trong mỗi chúng ta về việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa và Áo dài Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam...
Theo dòng lịch sử, Áo dài trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến Cố đô Huế. Từ "chiếc nôi" này, Áo dài đã góp phần tạo nên một nét đặc trưng của văn hóa Huế nói riêng cũng như là một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt nói chung cùng với các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu.
Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp để khích lệ, cổ vũ người dân mặc Áo dài truyền thống không chỉ trong các dịp lễ nghi mà có thể mở rộng trong các sinh hoạt cộng đồng, để tôn thêm vẻ đẹp cho miền đất và con người Huế; tạo cơ sở quan trọng cho sự hình thành, phát triển chiếc Áo dài, dần chính thức trở thành quốc phục của dân tộc Việt Nam./.
Thanh Thủy (t/h)