Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, trong những năm qua, hoạt động du lịch đạt nhiều thành tựu quan trọng, được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, thương hiệu du lịch xứ Thanh ngày càng được khẳng định và lan toả.
FLC Sầm Sơn là quần thể du lịch cao cấp góp phần cải thiện tính mùa vụ của du lịch Sầm Sơn.
Đầu tư hạ tầng trọng điểm làm đòn bẩy
Thực hiện Chương trình phát triển du lịch (CTPTDL) Thanh Hoá giai đoạn 2016 - 2020, du lịch Thanh Hoá đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là nhiều dự án hạ tầng tại các khu du lịch được đầu tư phát triển, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, tạo ấn tượng tốt cho du khách và dần khắc phục tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch. Tốc độ gia tăng khách du lịch, thu nhập từ du lịch cũng như sự đóng góp của ngành trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đều đáng ghi nhận.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020 các nhóm chỉ tiêu phát triển du lịch đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, toàn tỉnh ước đón được trên 42,5 triệu lượt khách (gấp 2 lần so với tổng lượng khách giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,6%/năm). Tổng thu từ du lịch trong giai đoạn này ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 31,7%/năm).
Những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động đầu tư phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến tích cực cả về quy mô và chất lượng. Theo đó, cùng với tập trung huy động các nguồn lực tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, các tuyến trung tâm và kết nối đến các khu, điểm du lịch tiềm năng, làm đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch như: Tuyến đường ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hoá; cải tạo nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài; đường giao thông từ TP Thanh Hoá đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; Đại lộ Nam sông Mã; dự án đường Quốc lộ 1A nối với Khu du lịch Hải Tiến, Hải Hoà, Bến En, Lam Kinh... Đầu tư một số dự án quy mô nhỏ nhưng có tác động trực tiếp đến việc hình thành khai thác phát triển như: đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (Lang Chánh); đường kết nối các khu, điểm trong khu BTTN Pù Luông (2 huyện Quan Hoá và Bá Thước); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”;... Thanh Hóa cũng quyết liệt thực hiện việc chấm dứt hoạt động, thu hồi các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch vi phạm pháp luật.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hoá đã thu hút được 28 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 77.614 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng gần 3 nghìn ha. Trong đó, có những dự án quy mô lớn, đã được đầu tư, đưa vào khai thác như: Sầm Sơn golf links và khu đô thị sinh thái FLC (giai đoạn 2), khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến... và 5 dự án có quy mô lớn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục đầu tư, nâng tổng số dự án kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 lên 63 dự án, với tổng số vốn triển khai thực hiện ước đạt trên 13 nghìn tỷ đồng. Có 200 cơ sở lưu trú được đầu tư mới, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh lên 925 cơ sở. Chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch ngày được cải thiện mạnh mẽ, số lượng khách sạn xếp hạng từ 3 - 5 sao tăng nhanh, đạt 42 khách sạn vào năm 2020.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch cả về số lượng, chất lượng
Trước tình hình phát triển mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói”, việc phát triển một hệ thống sản phẩm đặc trưng, với dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, chuyên nghiệp chính là yếu tố cốt lõi tạo nên điểm nhấn cũng như năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập cho du lịch xứ Thanh. Đây là một trong những mục tiêu, giải pháp quan trọng để du lịch Thanh Hoá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh.
Đến nay, sản phẩm du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng, theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự, thân thiện. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư đưa vào phục vụ khách du lịch như: huyện Hoằng Hoá với Lễ hội du lịch biển Hải Tiến được tổ chức thường niên, khai trương tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, hình thành các homestay, trải nghiệm du lịch dù lượn. TP Sầm Sơn với Lễ hội tình yêu, làng bích hoạ, mô tô nước, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm. Đặc biệt là Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn được tổ chức thường niên, với chuỗi hoạt động hấp dẫn như Lễ hội ánh sáng, Carnaval đường phố...
Kết quả, hàng năm đã thu hút được lượng lớn khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch biển. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch biển ước đón được 32 triệu lượt khách (chiếm 75,2% tổng lượng khách du lịch toàn tỉnh).
Đối với sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hoá, tâm linh ngày càng được chú trọng, phát huy giá trị, bước đầu thu hút số lượng lớn khách du lịch tham gia. Giai đoạn 2016 - 2020, các khu du lịch văn hoá, tâm linh trên địa bàn tỉnh ước đón được gần 7,5 triệu lượt khách. Cho thấy, sản phẩm du lịch này ngày càng trở nên phong phú, tăng sức hấp dẫn cho du khách khi đến với xứ Thanh. Sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được là sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Đặc biệt, năm 2019 đã tổ chức thành công Lễ công bố tour du lịch Quan Sơn (Thanh Hóa, Việt Nam) - Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào).
Nhìn chung, trong những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình hình dịch bệnh Covid-19, song việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tất cả các nhóm chỉ tiêu, lĩnh vực. Đặc biệt là tạo được sự lan toả và đồng thuận cao trong quá trình thực hiện; nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ đảng viên về Chương trình phát triển du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực; các địa phương có tài nguyên du lịch nổi trội đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và thu hút đầu tư phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách cũng như yêu cầu hội nhập.
Theo dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, du lịch tiếp tục là 1 trong 6 chương trình trọng tâm. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tập trung khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, xây dựng ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, làm cơ sở để đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch; chú trọng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực du lịch có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, nâng cao sức hấp dẫn du khách. Phấn đấu năm 2025, đón 16 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế 850.000 lượt người.
Hoài Anh