logo
title

Đồng Tháp: Khát vọng nơi quê hương cách mạng

Cập nhật ngày: 15/09/2020
Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, cùng với cả nước, Ðồng Tháp chịu nhiều đau thương, mất mát, biết bao người con của mảnh đất thành đồng cách mạng này đã anh dũng hy sinh. Trong công cuộc đổi mới, Ðồng Tháp không ngừng nỗ lực với một khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Nông dân làng hoa Sa Ðéc chăm sóc hoa, cây cảnh.
 
Trước đây, Ðồng Tháp từng được nhiều người ví von là “vùng đất khuất nẻo” bởi chưa thuận lợi về điều kiện tự nhiên và hạ tầng. Thế nhưng, từ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vùng đất sen hồng Ðồng Tháp không ngừng đổi mới. Với khát vọng vươn lên, nhiều địa phương ở Ðồng Tháp đã nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, thân thiện, nghĩa tình. Nằm nép mình bên dòng sông Tiền hiền hòa, ngày nay, TP Sa Ðéc được biết đến là một đô thị năng động. Sa Ðéc nổi danh với thương hiệu làng hoa, làng bột, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, những nét ẩm thực đặc trưng. Với thế mạnh phát triển hoa cảnh kết hợp dịch vụ du lịch, Làng hoa Sa Ðéc hội đủ điều kiện trở thành trung tâm sản xuất, kinh doanh hoa cảnh lớn của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
 
Dẫn chúng tôi tham quan làng hoa, nông dân Trần Thanh Hùng, chủ homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Ðông, TP Sa Ðéc phấn khởi kể: “Ðịa phương luôn kề vai, sát cánh, động viên, đó là động lực cho nông dân trồng hoa. Từ đó chúng tôi luôn vững tin với nghề trồng hoa, làm du lịch và mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất cũng như đầu tư trí tuệ để tạo ra những sản phẩm du lịch trên địa bàn làng hoa Sa Ðéc, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho đô thị”.
 
Mấy năm trở lại đây, mảnh đất đầy tiềm năng này cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án, công trình khu đô thị, khu dân cư theo hướng hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế đã và đang được hình thành. Diện mạo đô thị Sa Ðéc không ngừng đổi mới, với hệ thống điện, nước, hạ tầng kỹ thuật ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển và tốc độ đô thị hóa của thành phố. Ðề án “Ðiều chỉnh quy hoạch chung TP Sa Ðéc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đặt mục tiêu phát triển Sa Ðéc trở thành đô thị loại I năm 2030, là trung tâm kinh tế, du lịch và thành phố hoa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ðến năm 2050, Sa Ðéc sẽ trở thành “hòn ngọc của Mê Công”, thành phố đáng sống thông qua việc khai thác hiệu quả các dịch vụ công cộng, hạ tầng đô thị hiện đại, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Bí thư Thành ủy Sa Ðéc Phạm Văn Chuẩn cho biết: “Ðiều đáng phấn khởi là những năm qua, thu nhập bình quân đầu người của Sa Ðéc luôn tăng cao và hộ nghèo giảm xuống mức thấp. Sa Ðéc cũng đã được Chính phủ công nhận đạt đô thị loại II. Ðể bảo đảm phát triển thành phố hoa trong thời gian tới, chúng tôi tập trung phát triển nguồn nhân lực. Ðồng thời, tiếp tục xây dựng phong cách làm việc nhanh gọn, hiệu quả để tạo điều kiện phát triển kinh tế, cũng như xây dựng TP Sa Ðéc là một thành phố kinh tế trọng điểm mang bản sắc hoa”. 
 
Cao Lãnh là một huyện có không gian địa lý rộng, với 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc và cũng là địa phương có số lượng xã nhiều nhất tỉnh Ðồng Tháp. Với khát vọng vươn lên, những năm gần đây, địa phương giàu truyền thống cách mạng có nhiều cách làm sáng tạo, nhiều mô hình hay như tổ nhân dân tự quản, hội quán đã và đang truyền cảm hứng cho người dân Cao Lãnh và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Khát vọng vươn lên xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp, nhiều nông dân huyện Cao Lãnh đã không ngừng chăm bồi cho mảnh vườn, thửa ruộng nhà mình. Những ngày này, chúng tôi có dịp quay trở lại vườn xoài nhà lão nông Bảy Thọ, ở ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương. Cũng như nhiều hộ dân khác, vườn xoài gần 200 gốc nhà ông Bảy Thọ vẫn trĩu quả ngay thời điểm nghịch vụ. Tay nâng những trái xoài căng mịn, ông Bảy Thọ vui mừng bộc bạch: “Từ khi tham gia thành viên hội quán, tôi học hỏi các chuyên gia, bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật mới trồng rải vụ cho trái quanh năm. Giờ vườn tôi đặc biệt chú trọng sản xuất sạch để trái xoài ngon và an toàn, để người tiêu dùng an tâm sử dụng”. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Truyện, Chủ nhiệm Minh Tâm hội quán (xã Mỹ Xương) chia sẻ: “Nông dân huyện Cao Lãnh luôn cần cù và có khát vọng vươn lên. Do đó, khi thấy được lợi ích từ mô hình hội quán, từ 25 thành viên khi ra mắt, đến nay tăng lên hơn 50 thành viên. Hội quán đã phát huy được vai trò và tập hợp, thu hút đông đảo nhà vườn tham gia, làm cho sự liên kết, hợp tác giữa các nhà vườn ngày một chặt chẽ hơn, sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và cùng nhau bàn bạc rồi đi đến thống nhất để cùng nhau thực hiện”.
 
Nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, thân thiện, những năm qua, cả bộ máy chính quyền tỉnh Ðồng Tháp luôn kiên trì vượt qua những rào cản, tiếp tục có những thay đổi trong lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự tăng trưởng của địa phương. Còn nhớ cách đây không lâu, tại Hà Nội công bố chỉ số PCI năm 2019, Ðồng Tháp tiếp tục giữ vững ngôi vị á quân cả nước. Với kết quả này, Ðồng Tháp tiếp tục nối dài kỷ lục là tỉnh duy nhất 12 năm liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương cho biết: “Trong nhiều năm qua, Ðồng Tháp đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành. Với chủ trương đồng hành với doanh nghiệp, Ðồng Tháp đã kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền, từ ứng xử theo kiểu “xin - cho” thành “đồng hành cùng doanh nghiệp”, từ “suy nghĩ cho doanh nghiệp” thành “suy nghĩ như doanh nghiệp”, từ tư duy “quản lý, điều hành doanh nghiệp” trở thành “kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động” để doanh nghiệp an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh”.
 
Hữu Nghĩa
Báo Nhân dân