logo
title

Du lịch Việt thích nghi và "sống chung với lũ"

Cập nhật ngày: 22/09/2020
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gần 1.000 khách sạn đóng cửa, khoảng 950 cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động. Hàng loạt khách sạn từ phân khúc trung bình tới cao cấp đã đồng loạt giảm giá tới 80%.
Sở dĩ, trước đây, cơ cấu khách đến Hà Nội chủ yếu là khách nước ngoài thì nay với tình hình đường bay còn hạn chế, khách nội địa chính là nguồn để khách sạn có thể tiếp cận để cầm cự được qua mùa Covid-19 này. 
 
Giảm giá đồng loạt để vượt khó
 
Không chỉ dừng lại ở mức giá hấp dẫn, giảm sâu mà du khách còn hào hứng với những trải nghiệm mới, đa dạng. Tại Hà Nội, khách sạn Metropole giảm giá chỉ còn 2 triệu - 5 triệu đồng/đêm. Khách sạn Hanoi Daewoo giảm giá tới 83% với mức từ 1,3 triệu - 5 triệu đồng/đêm. Khách sạn Hanoi Malo Boutique Hotel (Hà Nội) giảm giá từ 1,2 triệu còn 288.000 đồng/đêm. Khách sạn Helios Legend giảm từ 1,33 triệu đồng còn 264.000 đồng/đêm. Hà Nội hiện có 8 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly cho chuyên gia nước ngoài với công suất hoạt động hơn 40%.
 
Cụ thể gồm khách sạn Hòa Bình, Sofitel Metropol, InterContinental Hà Nội Westlake, Mường Thanh Grand Xa La (Hà Đông), Bình An 1, Bình An 2, Wyndham và Crowne Plaza West Hanoi. Giá phòng dao động ở mức 1,2 triệu - 5 triệu đồng/đêm, tùy loại phòng và hạng sao. Đây không phải là lần đầu tiên giảm giá và thay đổi mục đích sử dụng, dường như các khách sạn đang dần thích ứng với hoàn cảnh.
 
Vì buộc phải “sống chung với lũ”, các công ty du lịch cũng đồng loạt triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mãi, mở hàng loạt dịch vụ mới và mở các gói liên kết giữa các doanh nghiệp. Công ty du lịch AZA Travel đưa ra các mức giá khá lý tưởng. Hiện các tour du lịch nội địa được yêu thích là Mù Cang Chải (giá khoảng 1,95 triệu đồng/3 ngày 2 đêm), tour Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu (3,99 triệu đồng/4 ngày 3 đêm), Phú Quốc (3,99 triệu đồng/4 ngày 3 đêm), Đà Lạt - Nha Trang (3,99 triệu đồng/ 4 ngày 3 đêm).
 
Riêng đối với các tour tới Đà Nẵng, Quảng Nam hiện mới mở cửa nên lượng khách không đáng kể, điều này không nằm ngoài dự đoán do cuối năm được coi là thấp điểm của mùa du lịch. Cũng xuất phát từ thực trạng này, Sở Du lịch địa phương và các công ty cho thấy đều chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, sẽ không trông chờ hay kỳ vọng quá nhiều vào con số mà bắt đầu từ bước đi nhỏ, nhưng chắc chắn và mới mẻ.
 
 
Tử Cấm thành Huế - điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch
 
Thay áo mới cho ngành kinh tế mũi nhọn?
 
Trước khi dịch bệnh xảy ra lần thứ hai, Đà Nẵng và Quảng Nam là những điểm “hot” của du lịch miền Trung. Hiện 2 tỉnh này đang triển khai kế hoạch “thay áo mới” cho ngành kinh tế mũi nhọn. Đà Nẵng chọn làm mới ngành du lịch theo hướng nhanh và bền vững, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng điểm, tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch Đà Nẵng gắn với hình ảnh “thành phố đáng sống”, năng động, văn minh, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường, phát huy vai trò hạt nhân và cửa ngõ du lịch vùng kinh tế động lực, trọng điểm miền Trung.
 
Về cơ cấu nguồn khách, trước mắt Đà Nẵng sẽ tập trung vào người dân địa phương và các tỉnh lân cận. Trước đây, lượng khách nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc đổ về đây ở con số rất lớn thì nay tỉnh điều chỉnh lại khoảng cơ cấu nguồn khách. Đà Nẵng tính đến việc xây mới cảng biển du lịch độc lập, xây dựng cảng du lịch đường thủy nội địa cùng với việc nâng cấp hệ thống cầu cảng hiện có để đẩy mạnh phát triển du lịch dọc sông Hàn, kết nối du lịch Đà Nẵng với Hội An - Quảng Nam bằng đường thủy nội địa.
 
Nhắc tới du lịch Quảng Nam, người ta thường nhắc tới Hội An hay Mỹ Sơn. Trước mắt, tỉnh sẽ tăng cường quảng bá trực quan tập trung mạnh vào thị trường nội địa và nếu xa hơn thì sẽ là thị trường Ấn Độ, các đoàn famtrip quốc tế… Xu hướng phát triển du lịch các vùng nông thôn, những điểm đến xanh đã diễn ra từ hồi tháng 2-2020 tại một số nước ở châu Âu. Nhiều chuyên gia thấy rằng, Quảng Nam có nhiều giá trị lịch sử cùng nhiều tài nguyên thiên nhiên về biển, đồng bằng như Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, rừng dừa Cẩm Thanh, biển An Bàng…
 
Chính vì vậy, tỉnh hoàn toàn có thể tính đến tận dụng những tài nguyên này. Xét tổng quát, cách đi hiện nay của du lịch thế giới và Việt Nam có điểm chung là “an toàn, thân thiện với môi trường” nhằm hướng tới việc du lịch lấy lại vị thế kinh tế mũi nhọn, cung cấp hàng triệu việc làm, làm nổi bật tính nhân văn của bản sắc địa phương. Sẽ mất nhiều thời gian để ngành du lịch lấy lại được những con số như năm 2019, nhưng nhìn vào bối cảnh chung, du lịch Việt Nam được dự đoán có điều kiện phục hồi nhanh hơn.
 
Nguyễn Hoà
Báo An ninh Thủ đô