logo
title

Xây dựng thương hiệu du lịch hồ Hòa Bình

Cập nhật ngày: 30/09/2020
Khu du lịch (KDL) hồ Hòa Bình có khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đa dạng, hấp dẫn, cùng các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, gắn liền với điểm thăm quan công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Những năm gần đây, tiềm năng, thế mạnh kinh tế du lịch vùng hồ được tỉnh chú trọng đưa vào khai thác. Đồng thời, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng hồ.
Vùng hồ Hòa Bình mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình đang có sức hút lớn đối với du khách.
 
Nhiều giải pháp nâng tầm vị thế khu du lịch hồ Hòa Bình
 
Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 22/6/2017 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KDL hồ Hòa Bình thành KDL quốc gia là dấu ấn quan trọng trên lộ trình xây dựng thương hiệu du lịch vùng hồ. Nghị quyết được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng địa phương liên quan đến hoạt động du lịch, nhất là tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và TP Hòa Bình. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Hàng năm, Ban chỉ đạo Du lịch tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh để chỉ đạo công tác quản lý, phát triển du lịch, trong đó có nhiệm vụ triển khai Nghị quyết số 14-NQ/TU. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm.
 
Tỉnh đã tập trung triển khai dự án nâng cấp đầu tư tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh, Thung Nai (Cao Phong), Suối Hoa (Tân Lạc), với tổng mức đầu tư 756 tỷ đồng; làm đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong (Đà Bắc) với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ thực hiện cải tạo các điểm phục vụ sinh hoạt cộng đồng, tuyến đường vào các xóm, điểm thăm quan, hỗ trợ xây dựng các đội văn nghệ dân tộc, trang thiết bị cho các điểm du lịch cộng đồng... KDL hiện có trên 200 phương tiện tàu, thuyền vận chuyển khách, 107 cơ sở lưu trú.
 
Với cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch KDL có nhiều khởi sắc. KDL có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư. Từ năm 2017 đến nay, thu hút 11 dự án đầu tư phát triển du lịch, tổng nguồn vốn khoảng trên 3.200 tỷ đồng. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai đa dạng thông qua các kênh thông tin điện tử, truyền hình, sách, báo, quảng cáo, các hội nghị xúc tiến, liên hoan du lịch quốc tế...
 
Tăng sức hấp dẫn điểm đến du lịch vùng hồ
 
Hiện tại, KDL hồ Hòa Bình được hỗ trợ tối thiểu 3 tỷ đồng/năm đầu tư cho cộng đồng, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường... Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, sự hỗ trợ này phần nào giúp thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu du lịch hồ Hòa Bình. Đây cũng là động lực thúc đẩy xã hội hóa các nguồn lực đầu tư du lịch vùng hồ.
 
Du lịch hồ Hòa Bình đã, đang tạo sự bứt phá với việc xây dựng được một số sản phẩm du lịch đặc trưng. Đáng kể là sản phẩm du lịch tâm linh đền Bờ, đền Đôi Cô, động Thác Bờ gắn với các hang động, danh lam thắng cảnh. Loại hình homestay ở các bản làng ven hồ như xóm Ké - xã Hiền Lương, xóm Đức Phong - xã Tiền Phong (Đà Bắc), bản Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc)... cũng là sự lựa chọn của nhiều du khách nhờ lưu giữ, bảo tồn được những nét đẹp bản sắc văn hóa trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
 
Năm 2019, KDL hồ Hòa Bình đón 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 17,7% tổng lượt khách toàn tỉnh, trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 160 tỷ đồng, chiếm 7,7% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh. 8 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, nhưng du lịch vùng hồ vẫn là địa chỉ hấp dẫn, điểm đến của du khách trong, ngoài nước. Nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tạo sức hút đối với khách đã đi vào hoạt động, như Mai Châu Hideaway, khu du lịch sinh thái Ba Khan (Mai Châu), Sunlegend - Ecolodge Đà Bắc... Tỉnh cũng đã mở tuyến du lịch đi bộ, đạp xe dọc hai bờ sông Đà thuộc KDL hồ Hòa Bình, xây dựng chương trình nghỉ dưỡng cuối tuần, chương trình trải nghiệm trên hồ Hòa Bình hướng TP Hòa Bình đi Đà Bắc, trọng tâm vào các sản phẩm du lịch tại xã Nánh Nghê.
 
Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc xây dựng thương hiệu du lịch vùng hồ, phát triển KDL hồ Hòa Bình trở thành KDL quốc gia đang được tăng cường, tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Tỉnh đang tiến hành khảo sát xây dựng sản phẩm để kết nối tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà từ Hòa Bình đi Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổ chức đoàn cán bộ quản lý Nhà nước cấp huyện, các xã vùng hồ đi học tập phát triển sản phẩm du lịch. Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tuyến du lịch đường thủy từ cảng du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) lên Hòa Bình. Mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, món ăn truyền thống dân tộc, khôi phục phiên chợ vùng cao trên hồ để thu hút khách du lịch. Xây dựng tuyến phố đi bộ, các tuyến phố ẩm thực, vui chơi giải trí đêm trên khu vực bờ sông Đà, TP Hòa Bình gắn với tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật đường phố, nghệ thuật dân gian, ẩm thực thu hút khách du lịch.
 
Bùi Minh
Báo Hòa Bình