logo
title

Bảo vệ môi trường Di sản Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững

Cập nhật ngày: 02/10/2020
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An đã và đang tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch địa phương và du lịch cả nước. Đồng thời khẳng định sự nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên của Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.
Hơn 200 cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch ở xã Ninh Hải và xã Ninh Thắng (Hoa Lư) dự tuyên truyền bảo vệ Di sản. Ảnh: Trường Giang
 
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trải rộng trên địa bàn 20 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố của tỉnh Ninh Bình. Phần lớn diện tích khu vực Di sản chủ yếu nằm trên địa bàn 42 thôn của 9 xã huyện Hoa Lư. Nhiều địa giới hành chính ở các thôn nằm trong vùng lõi của Di sản cần kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt hoặc đan xen giữa việc cấm và hạn chế xây dựng… nên công tác quản lý Nhà nước về Di sản gặp không ít khó khăn. 
 
Đại diện Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch) chia sẻ: Qua công tác tuần tra, giám sát công tác quản lý và bảo vệ Di sản trong thời gian qua, việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự xây dựng, quản lý sử dụng đất đai và kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đã và đang dần đi vào nề nếp. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân và doanh nghiệp chưa thực hiện theo các quy định pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và ngành. Các vi phạm chủ yếu vẫn là: xây dựng mới nhà ở không hoặc chưa có cấp giấy phép xây dựng, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (xây dựng nhà ở trên đất ao, đất vườn…), xây dựng công trình vượt quá chiều cao quy định, tự ý kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch trong vùng lõi Di sản, kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch không đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định… 
 
Các hành vi vi phạm gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. Song hành với tăng cường tác tuần tra, giám sát, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp lý về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành các quy định quản lý, bảo tồn Di sản. 
 
Cụ thể, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An vừa tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho trên 200 cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xã Ninh Hải và xã Ninh Thắng (Hoa Lư) về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan, phát triển du lịch bền vững. 
 
Mềm hóa các hình thức tuyên truyền, như trình chiếu videoclip, thuyết trình, nói chuyện…, các báo cáo viên đã truyền đạt được các quy định hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh; phổ biến các quy định về kinh doanh lưu trú du lịch trong vùng di sản. 
 
Đồng thời lồng ghép việc quán triệt các văn bản pháp lý về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, như: Quyết định số 230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, Nghị định 109/2017/NĐ - CP của Chính phủ về quy định bảo vệ quản lý di sản ở Việt Nam; Quyết định 08/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. 
 
Qua lớp tập huấn, các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch hiểu rõ hơn những quy định về trật tự xây dựng hạ tầng, sử dụng đất đai trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, các điều kiện cần và đủ về kinh doanh lưu trú du lịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tránh những tác động tiêu cực, phá vỡ cảnh quan, không gian di sản trong quá trình đón tiếp và phục vụ khách lưu trú… 
 
Sau các đợt tuyên truyền, mỗi tổ chức, cá nhân tham gia làm du lịch và dịch vụ nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản, không chỉ riêng với vùng lõi, mà còn cả ở các vùng đệm. 
 
Đồng chí Phạm Sinh Khánh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An nhấn mạnh: Trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng và bảo vệ thành công Hồ sơ Di sản, tuy nhiên, để gìn giữ và trao truyền Di sản cho các thế hệ mai sau theo đúng tinh thần Công ước Di sản Thế giới, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư trong khu Di sản. 
 
Trước mắt, các cấp, các ngành cần coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản. 
 
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, các tổ chức, cá nhân ở địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững. 
 
Có thể khẳng định, hơn 6 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đã đạt được kết quả tích cực. Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An như: cảnh quan tự nhiên, hệ sinh thái, các di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ. 
 
Bảo tồn Di sản và khai thác các giá trị của Di sản để phát triển du lịch đã có sự cân bằng. Di sản Tràng An đã và đang mang lại lợi ích và ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân địa phương. 
 
Nguyễn Minh

 

Báo Ninh Bình