logo
title

Hà Giang: Xây dựng tổng thể sản phẩm và điểm đến du lịch

Cập nhật ngày: 07/10/2020
Nhằm phát huy, sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch (DL), tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội; thực hiện thỏa thuận hợp tác với tỉnh ta, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tiến hành nghiên cứu “Giải pháp xây dựng tổng thể sản phẩm và điểm đến DL gắn với khai thác tối ưu giá trị của Hà Giang trong phát triển DL bền vững”.
 
Khách du lịch tham quan tại dốc Thẩm Mã (Đồng Văn).
 
Ngành DL của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc; lượng khách đến tỉnh hàng năm đều tăng. Sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc, hấp dẫn về cảnh quan thiên nhiên, giá trị di sản địa chất của Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn và các lễ hội truyền thống độc đáo, thu hút khách trong nước và quốc tế đã tạo nên tiềm năng lớn. Mặt khác, tỉnh đã thu hút một số nhà đầu tư tiềm năng đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực DL. Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” đứng trước nhiều khó khăn, tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy tối đa hiệu quả. 
 
Nhằm khai thác tối ưu các giá trị của tỉnh, đề tài khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tập trung nghiên cứu về mức độ hấp dẫn, tính bền vững của các loại hình sản phẩm DL, như: DL cộng đồng, tâm linh, lịch sử, vui chơi giải trí, địa chất, văn hóa, sinh thái, mạo hiểm. Nghiên cứu các tiêu chí đánh giá điểm đến DL; khai thác các giá trị của địa phương phục vụ phát triển DL. Đồng thời, phân tích các yếu tố tác động tới phát triển sản phẩm và điểm đến DL; trong đó nêu rõ vai trò của Nhà nước, cơ sở hạ tầng DL, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển sản phẩm DL; năng lực cung cấp sản phẩm; yếu tố liên kết; các yếu tố tác động đến khả năng cạnh tranh và khả năng thu hút của điểm đến DL; các yếu tố tác động tới phát triển DL bền vững. Đặc biệt, nghiên cứu chỉ ra những điểm nghẽn cản trở khai thác các giá trị địa phương cho phát triển sản phẩm và điểm đến DL, như: Chính sách phát triển du lịch của T.Ư, địa phương; công tác quản lý quy hoạch, triển khai các chương trình, dự án của tỉnh; liên kết vùng; các yếu tố chính trị - văn hóa - xã hội… Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển các sản phẩm, điểm đến DL và bảo đảm tính bền vững. 
 
 
Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên dòng Nho Quế (Mèo Vạc).
 
Nội dung của đề tài nghiên cứu bao gồm các chuyên đề khoa học về phát triển sản phẩm, điểm đến hướng tới DL bền vững; phân tích thực trạng, trong đó có tổ chức tọa đàm, báo cáo dữ liệu khảo sát thực tế tại tỉnh và quốc tế; đề xuất giải pháp chính sách nhằm phát triển các sản phẩm, điểm đến và bảo đảm tính bền vững của phát triển DL; đề xuất khung mô hình phát triển sản phẩm DL bền vững cho tỉnh… Đề tài nghiên cứu hoạt động phát triển các sản phẩm, điểm đến DL trong mối quan hệ tổng thể giữa các bên liên quan trong chuỗi cung cầu sản phẩm DL - người cung cấp sản phẩm với người hưởng thụ dịch vụ, sản phẩm DL. Đồng thời, nhìn nhận hoạt động phát triển các sản phẩm, điểm đến DL dưới góc độ phát triển bền vững trên ba khía cạnh: Kinh tế - xã hội - môi trường; đánh giá những tác động của bản thân hoạt động phát triển các sản phẩm DL đến các bên liên quan trong chuỗi hoạt động mang tính lâu dài về hiệu quả kinh tế, công bằng về xã hội và có tác động ngoại biên tiêu cực cho các bên liên quan hay không.
 
Đồng chí Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Đề tài nghiên cứu khoa học giúp các cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá được thực trạng phát triển sản phẩm và điểm đến DL hiện nay; hiểu được các yếu tố hạn chế sự phát triển các sản phẩm, điểm đến DL, hạn chế khả năng khai thác các giá trị tiềm năng hướng tới phát triển DL bền vững; giúp tham khảo một số mô hình DL bền vững của một số nước và một số tỉnh bạn để rút ra bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách cho tỉnh. Đồng thời, khuyến nghị về hệ thống cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể cho từng sản phẩm, điểm đến DL bền vững áp dụng cho tỉnh sẽ giúp các nhà lập chính sách thuộc các bộ, ban, ngành, Chính phủ và của tỉnh có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược, chính sách phát triển KT – XH của tỉnh gắn với việc phát triển ngành DL bền vững.
 
Đề tài được thực hiện từ tháng 11.2018 đến hết năm nay. Hiện, nhóm nghiên cứu đang nỗ lực đề xuất khung mô hình phát triển sản phẩm DL bền vững và đề xuất các giải pháp chính sách. Đây sẽ là cơ sở giúp tỉnh ta phát triển các sản phẩm, điểm đến DL và bảo đảm tính bền vững của phát triển DL, góp phần nâng cao đời sống người dân nơi địa đầu cực Bắc. 
 
Bài, ảnh: Kim Tiến
Báo Hà Giang