Quy hoạch là một công cụ để quản lý Nhà nước về du lịch; đồng thời, nó giữ vai trò quan trọng như là cái la bàn định hướng cho du lịch phát triển. Theo đó, một quy hoạch sát thực tế và có chất lượng cao, sẽ là căn cứ cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nguồn lực đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch.
Diện mạo hiện đại của đô thị du lịch Sầm Sơn. Ảnh: Khôi Nguyên
Thanh Hóa có hệ thống sông tương đối dày đặc, gắn với nhiều di tích và danh thắng đẹp dọc hai bên bờ. Trong đó phải kể đến sông Mã là dòng sông có trữ lượng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, giá trị khai thác cao. Đồng thời, đóng vai trò kết nối các trung tâm đô thị và du lịch lớn của tỉnh như đô thị du lịch Sầm Sơn, TP Thanh Hóa. Bên cạnh đó là sông Hoạt, với đoạn tuyến từ Cụm di tích thắng cảnh động Từ Thức đến cửa Lạch Càn có chiều dài khoảng 24km, có nhiều điểm đến hấp dẫn như động Từ Thức, chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, núi Mai An Tiêm, đền Mai An Tiêm, cánh đồng cói Nga Tân, khu sinh thái rừng ngập mặn cửa Lạch Càn (huyện Nga Sơn). Sông Lạch Bạng chảy trên địa phận thị xã Nghi Sơn, với nhiều điểm đến tâm linh, thắng cảnh, làng nghề truyền thống... nổi bật là núi Du Xuyên, đền Thanh Xuyên, chùa Đót Tiên, đền Quang Trung, phố cổ Hải Thanh...
Các dòng sông kể trên đều có trữ lượng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Song, việc khai thác tiềm năng để trở thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, lại chưa được nhiều do thiếu sự định hướng và các giải pháp phù hợp. Trước thực trạng trên, ngày 25-11-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 4589/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Trong đó, trọng tâm là phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế và gắn kết chặt chẽ với quy hoạch không gian đô thị, các khu chức năng đặc thù ven sông, không làm phá vỡ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái của các dòng sông... Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, du lịch đường sông trở thành một trong những loại hình du lịch trọng điểm phát triển của tỉnh, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa; có hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất đồng bộ, chất lượng đảm bảo; thu hút được 7.700 lượt khách du lịch quốc tế, 241.900 lượt khách nội địa và tổng thu đạt khoảng 133 tỷ đồng... Có thể khẳng định, việc xây dựng quy hoạch du lịch đường sông, đã tạo ra căn cứ quan trọng cho việc khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù này. Thực tế, với thành công bước đầu việc đưa vào vận hành tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã cho thấy, phát triển du lịch đường sông là sản phẩm rất có tương lai phát triển.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, thế nhưng trước đây việc nghiên cứu lập quy hoạch du lịch lại chưa gắn chặt với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội địa phương; cũng như chưa có sự tương tác giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch của các ngành kinh tế - xã hội khác. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (năm 2018) đã được ban hành. Trong đó, Khoản 5, Điều 28 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đã nêu rõ: “khu chức năng bao gồm khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu đào tạo; khu thể dục, thể thao”. Sự thay đổi này đã phá vỡ tính “khép kín” của quy hoạch du lịch, từng gây ra tình trạng thông tin thiếu thông suốt giữa cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị làm công tác quy hoạch với người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, việc gắn kết quy hoạch du lịch trong quy hoạch chung của ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao tính định hướng và hiệu quả thực hiện quy hoạch trong thực tế.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch to lớn, phong phú, tạo cơ sở để xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chính vì vậy, việc lập quy hoạch phát triển du lịch, bao gồm cả quy hoạch chung và quy hoạch cụ thể, được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 44 quy hoạch du lịch, trong đó có 38 quy hoạch đã được phê duyệt và 6 quy hoạch đang triển khai nghiên cứu. Điển hình phải kể đến công tác lập quy hoạch phát triển du lịch Sầm Sơn; trong đó, một số quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành nhưng nằm trong khu du lịch trọng điểm, khi nghiên cứu định hướng đã đánh giá và tính toán dự báo khả năng khai thác phát triển du lịch. Ví như: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu số 3), phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thương mại và đô thị mới (khu số 7), TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hành chính - chính trị và đô thị mới (khu số 8), TP Sầm Sơn; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư đô thị hóa và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị (khu số 10) TP Sầm Sơn.
Bên cạnh công tác xây dựng, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch du lịch đã được triển khai kịp thời. Từ đó, góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và tạo cơ sở để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và triển khai thực hiện các dự án đầu tư về du lịch. Trình tự, thủ tục lập quy hoạch tuân thủ theo quy định của pháp luật; chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch được nâng cao, đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa nhà đầu tư - Nhà nước - người dân. Công tác quản lý quy hoạch được tăng cường, các dự án quy hoạch sau khi phê duyệt được tổ chức công bố và công khai trên Cổng thông tin quy hoạch của tỉnh, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến với nhà đầu tư, du khách và Nhân dân. Việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo các đồ án quy hoạch được triển khai thường xuyên; công tác kiểm tra, rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, tổng hợp ý kiến của các chủ đầu tư để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền được triển khai kịp thời...
Mặc dù vậy, công tác quy hoạch du lịch trong thực tế vẫn đang gặp không ít khó khăn. Đó là tiến độ xây dựng và triển khai một số quy hoạch còn chậm so với kế hoạch, như Quy hoạch khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí Bến En, quy hoạch phân khu du lịch sinh thái thác Voi, huyện Thạch Thành... Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực triển khai các quy hoạch còn hạn chế, ví như quy hoạch phát triển điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tính dự báo một số quy hoạch chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch còn bất cập. Ngoài ra, điều kiện tiếp cận tài nguyên du lịch ở tỉnh ta là tương đối khó, do các điểm du lịch cách xa nhau và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, cũng là những lực cản khiến cho việc triển khai quy hoạch du lịch nói riêng và phát triển du lịch nói chung, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Khôi Nguyên