logo
title

Phát triển du lịch cộng đồng tại Hà Nội: Để không bỏ phí tiềm năng

Cập nhật ngày: 27/10/2020
Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo ra sản phẩm khác biệt, giàu tính trải nghiệm cho du khách. Song, sự phát triển của du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn chưa thật sự “cất cánh”. Để không bỏ phí tiềm năng, ngành Du lịch Thủ đô và các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường hơn nữa tính kết nối, phát huy tốt hơn vai trò của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng.
 
Ngành Du lịch Thủ đô tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề để du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê. Trong ảnh: Trẻ em trải nghiệm tô tượng tại làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh).
 
Thế mạnh của du lịch cộng đồng
 
Du lịch cộng đồng là hình thức kinh doanh du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương để phát triển du lịch. Hình thức này đề cao vai trò không thể thiếu của người dân bản địa trong việc tham gia vào quá trình kinh doanh, quảng bá hình ảnh điểm đến, cung cấp dịch vụ du lịch mang tính đặc trưng. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, loại hình du lịch cộng đồng rất phát triển.
 
Hà Nội là nơi có bề dày văn hóa, lịch sử; hệ thống di sản, làng nghề đặc sắc phân bố khá đều ở cả khu vực nội thành, ngoại thành, đó là tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, ngành Du lịch Thủ đô đang tập trung gắn phát triển du lịch với hoạt động nông nghiệp, sinh hoạt làng nghề, giúp du khách dễ dàng trải nghiệm văn hóa làng quê.
 
Gia đình bà Đinh Thị Hảo, ở thôn 9, xã Ba Trại, huyện Ba Vì tham gia hoạt động du lịch cộng đồng từ nhiều năm nay. Tận dụng lợi thế khuôn viên rộng rãi sẵn có, bà Hảo đã cải tạo không gian sống thành nơi lưu trú cho du khách (homestay). Trước khi xuất hiện dịch Covid-19, gia đình bà Hảo đón nhiều đoàn khách muốn tìm hiểu cuộc sống thôn quê, trong đó có nhiều du khách Mỹ, Canada… Khách đến với dịch vụ homestay của bà Hảo rất thích thú khi được hái chè, câu cá, thưởng thức những món ăn đồng quê…
 
Trong khi đó, mô hình du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) cũng là một trong những điểm nhấn thu hút du khách. Phó Trưởng ban Quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, khoảng 10% số hộ dân trên địa bàn xã Đường Lâm tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng. Họ cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, giúp du khách trải nghiệm cảm giác “được làm nông dân”.
 
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân của ngôi nhà cổ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng Giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương về bảo tồn di sản văn hóa chia sẻ: “Từ năm 2008, gia đình tôi bắt đầu nhận đưa du khách tham quan nhà cổ, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, làm các món quà quê truyền thống như chè lam, tương bần... Mô hình homestay đã giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập khá ổn định”.
 
Không chỉ có những điểm du lịch cộng đồng nêu trên, trên địa bàn thành phố còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn khác, như: Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), làng nhiếp ảnh Lai Xá (huyện Hoài Ðức), làng thuốc nam người Dao (huyện Ba Vì)…
 
 
Du khách trải nghiệm làm gốm thủ công ở làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
 
Cần chuyên nghiệp và hiệu quả hơn
 
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, song du lịch cộng đồng tại Hà Nội vẫn thể hiện tính tự phát, chủ yếu là người dân tự làm, thiếu sự đồng bộ, chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, điểm yếu nhất là thiếu cơ sở lưu trú, nên du khách chỉ có thể trải nghiệm trong ngày. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, người dân ở nhiều nơi chưa được tập huấn đầy đủ, nên kỹ năng phục vụ còn hạn chế, khả năng giao tiếp, ngoại ngữ không cao…
 
Trên đây là những nguyên nhân quan trọng khiến du lịch cộng đồng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, giá tour du lịch thấp, chưa đủ để tạo nên sự phát triển bền vững. 
 
Để khắc phục hạn chế nêu trên, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức nhiều hội nghị về văn minh du lịch. Chỉ riêng năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức gần 40 buổi tập huấn. Năm nay, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)… 
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) - người trực tiếp hướng dẫn cho người dân cách xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương, cho rằng, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân, vai trò của công tác quản lý là rất quan trọng. Chính quyền địa phương cần khơi dậy lòng tự hào về làng quê trong mỗi người, để họ kể cho du khách những câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử và nghề truyền thống của quê hương mình.  
 
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành, nhằm giúp các địa phương xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu của du khách, từ đó tăng tính kết nối tour, tuyến du lịch, khai thác được thế mạnh của du lịch cộng đồng, góp phần giúp du lịch Thủ đô phát triển chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
 
Hoàng Lân
Báo Hà nội mới