logo
title

Hà Nội: Suối Yến - mùa hoa súng

Cập nhật ngày: 02/11/2020
Vài năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) trồng hoa súng trên suối và các đầm nước, tạo nên nét mới cho dòng suối Yến nói riêng và quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Hương Sơn nói chung. Một không gian mới, mô hình phát triển du lịch mới đang hình thành, kỳ vọng tương lai không xa, không chỉ trong ba tháng xuân hội chùa Hương mà nơi đây sẽ nô nức quanh năm...
Suối Yến (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) thu hút nhiều du khách trong mùa hoa súng. Ảnh: Bá Hiển
 
Sắc hồng suối hoa
 
Những ngày này, khi thời tiết vào cuối thu, quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Hương Sơn mang trong mình vẻ đẹp rất riêng. Không ồn ào, náo nhiệt như chính hội, Hương Sơn yên bình, tĩnh lặng và nên thơ với những bông hoa súng nở rộ trên dòng suối Yến, trong các đầm. Trên nền núi rừng hùng vĩ, hương thơm thoang thoảng và sắc hồng của hoa súng mang đến không gian sơn thủy hữu tình đặc sắc của miền đất Phật.
 
Chị Tô Thị Mai Phương ở phường Văn Phú (quận Hà Đông) - một trong những du khách chúng tôi gặp khi đến thăm nơi đây vào những ngày hoa súng nở rộ. "Nhiều nơi trồng hoa súng nhưng suối hoa trong quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn tạo sức hấp dẫn thật đặc biệt. Chúng tôi đến đây để cảm nhận một Hương Sơn mới, tìm cho mình một không gian thư thái và có cả những bức ảnh tuyệt đẹp", chị Dung chia sẻ.
 
Câu chuyện về những suối hoa này bắt đầu từ mấy năm trước. Bà Nguyễn Thị Hằng ở thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn) là người đầu tiên có sáng kiến trồng hoa súng để làm du lịch ở vùng đất này cho biết: “Trước đây, khu đầm nhà tôi chỉ cấy một vụ lúa mỗi năm nên thu nhập của gia đình trông cậy vào việc chèo đò đưa khách tham quan chùa Hương dịp lễ hội. Từ ngày chuyển sang trồng hoa súng và làm du lịch, thu nhập ổn định hơn nhiều…”. Hai mẫu hoa của gia đình bà không chỉ nhuộm hồng đoạn suối gần cầu Hội mà còn thu hút hàng chục du khách đến chụp ảnh vào dịp cuối tuần. Vừa chèo thuyền, vừa phục vụ ăn uống, gia đình bà Hằng thu được cả triệu đồng mỗi ngày.
 
Còn bà Nguyễn Thị Thanh, cùng thôn Yến Vỹ có đầm hoa súng khu vực giáp chùa Thanh Sơn, Hương Đài chia sẻ: "Tôi dựng thêm một số cầu tre trong đầm hoa súng để tạo cảnh quan cho khách chụp ảnh; đồng thời, cho khách thuê thuyền, thuê trang phục và phục vụ cơm trưa với các món ăn dân dã như gà đồi, cá quả nướng, canh rau sắng, nộm, canh chua hoa súng...".
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn, hiện cả xã có hơn 10 hộ trồng hoa súng. Những đầm hoa không chỉ mang đến nét đẹp mới cho nơi đây mà còn bắt đầu hình thành một mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp tham quan du lịch, mở hướng làm giàu cho nông dân. 
 
Điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô
 
Non nước Hương Sơn và những đầm hoa súng đem lại sự đặc sắc, nhưng để hình thành mô hình du lịch hấp dẫn, những nông dân Hương Sơn đang xây dựng nét đẹp văn hóa trong du lịch.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết, mặc dù nhiều hộ cùng làm du lịch nhưng người dân Hương Sơn đều thống nhất chung về giá cả dịch vụ, niêm yết công khai. Ví dụ, chở đò đưa du khách tham quan suối Yến là 300 nghìn đồng/chuyến; cho thuê thuyền nan chụp ảnh 100 nghìn đồng/ thuyền; cho thuê trang phục 50 nghìn đồng/bộ; bán hoa súng 5 nghìn đồng/bông… Giá dịch vụ ăn uống cũng rõ ràng, tuyệt đối không có chuyện lôi kéo, “chặt chém” du khách. “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên thân thiện, nhiệt tình. Chúng tôi đang từng bước thay đổi cung cách phục vụ khách du lịch chuyên nghiệp hơn”, ông Hải nói.
 
Còn theo Trưởng ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển, trung bình mỗi năm, Hương Sơn thu hút 1,5 triệu lượt khách nhưng chủ yếu trong 3 tháng lễ hội chùa Hương. Giờ đây, có thêm những đầm hoa súng và nhiều sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn du khách sẽ đến Hương Sơn cả bốn mùa trong năm. Có thể khẳng định, phát triển các mô hình du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho hàng trăm lao động là hướng đi khá hiệu quả của Hương Sơn.
 
Để những suối hoa thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu, rất cần những điều chỉnh tổng thể về cơ chế, chính sách. Khu vực suối Yến hiện có khoảng 250ha là đầm ngập nước, huyện khuyến khích, vận động người dân trồng hoa súng vừa làm đẹp cảnh quan, vừa tạo thêm thu nhập; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kiến thức kinh doanh, dịch vụ và kỹ năng giao tiếp với khách du lịch… Mặt khác, để thu hút du khách, huyện chỉ thu vé thắng cảnh trong 3 tháng lễ hội chùa Hương, còn những tháng còn lại trong năm không thu vé.
 
Mô hình trồng hoa súng kết hợp du lịch của người dân xã Hương Sơn mới xuất hiện nên rất cần định hướng phát triển phù hợp. Để những suối hoa, đầm hoa thực sự tô điểm vẻ đẹp quần thể di tích và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, cùng với khai thác tiềm năng vốn có thì huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn cần thêm nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa, tạo cơ hội cho người dân địa phương có thể làm giàu ngay tại quê hương.
 
Huyền Mai
Báo Hà Nội mới