Những ngày cuối năm, đi dọc các con đường ở xứ biển, từng cơn gió đông se lạnh báo hiệu một mùa xuân nữa sắp về; người dân đang tất bật chuẩn bị vụ nuôi tôm mới, thu hoạch lúa, dưa hấu chuẩn bị đón Tết. Xứ biển dần thay đổi từ vùng đất khó với rừng, nước mặn trước đây trở thành lợi thế để phát triển kinh tế, vươn mình ra Biển Đông.
Nhiều khách du lịch đến tham quan điểm du lịch “Người giữ rừng” tại huyện Bình Đại. Ảnh: Hoàng Trung
Đưa du lịch về rừng ven biển
Con đường nhựa về cồn Bà Tư (ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) vừa được trải nhựa phẳng phiu như khoác lên mình chiếc áo mới; xung quanh là những mảng đước, bần, dừa nước... xanh rờn xen lẫn những vuông tôm, ruộng muối. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy được hai vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1985) và Lê Thị Kim Linh (sinh năm 1986) phát triển du lịch sinh thái bằng mô hình khởi nghiệp mang tên “Homestay Cồn Bà Tư”. Kim Linh tâm sự: “Học xong cấp ba, tôi cùng chồng kinh doanh điện thoại di động ngoài chợ xã. Khi bạn bè ở xa về chơi, tôi dẫn xuống khu đập rộng 4ha của gia đình, ai cũng thích giăng lưới bắt cá, bắt sò huyết, câu cua... rồi ăn tại chỗ. Khi đi các khu du lịch khác thấy hầu hết đều nhân tạo nên tôi có ý tưởng xây dựng mô hình du lịch sinh thái ở ngay tại quê để giới thiệu những cảnh đẹp cho khách du lịch”.
Từ đầu năm 2018, Kim Linh cùng gia đình xây dựng mô hình du lịch theo kiểu homestay. Khách du lịch đến đây sẽ được đi ghe dọc các con kênh để chụp hình rừng đước, rừng bần. Nếu gặp ngay nước ròng sẽ đi bộ trên con đường đất ven kênh với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ. Sản phẩm du lịch đặc trưng được Linh thiết kế gồm: bắt sò huyết, câu cua, câu cá, giăng lưới, tham quan ruộng muối... và được thưởng thức hải sản tươi ngon vừa bắt được ngay tại chỗ. Nếu khách ở đêm sẽ được thêm trải nghiệm soi ba khía, bắt cá thòi lòi và tham quan đê ốc viết, ruộng dưa hấu ven biển... Chính những trải nghiệm du lịch đặc trưng ở xứ biển này khiến nhiều du khách rất thích. Hiện tại, điểm du lịch này đang được xây dựng thêm phòng khách để có thể đón được nhiều nhóm khách du lịch khác nhau và thiết kế các trò chơi dân gian phục vụ du khách trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Những ngày cuối năm, chị Trịnh Thị Ngọc Hiện - Giám đốc Công ty cổ phần ANFOODS (xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại) tất bật chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết. Chị Hiện đã có quyết định táo bạo là bỏ thành thị để về rừng khởi nghiệp với dự án rất độc đáo: “Kinh doanh với người giữ rừng” bằng cách khai thác thủy hải sản có chọn lọc, phát triển du lịch dưới tán rừng để giúp người dân địa phương tăng thu nhập từ rừng. Từ tháng 7-2018, cô gái trẻ này tiếp tục mở thêm dịch vụ đưa khách du lịch tham quan rừng ngập mặn ven biển, thưởng thức hải sản sạch dưới tán rừng. Khách du lịch đến đây được bơi xuồng, bắt cá, sò huyết và tham quan cảnh đẹp của rừng ngập mặn. Những sản vật bắt được sẽ chế biến, thưởng thức ngay tại rừng tạo sự thích thú và cùng trải nghiệm cuộc sống của người dân ở rừng ngập mặn. Dịch vụ này giúp du khách hiểu hơn về rừng để cùng yêu thiên nhiên, mang thông điệp bảo vệ rừng trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu (BĐKH) và cả con người.
Năm 2020, chị Hiện thuê 20ha đất đập với mặt nước rộng, trồng thêm cây rừng để phát triển du lịch. Tết này, khách du lịch sẽ được trải nghiệm những đặc trưng riêng của rừng ngập mặn Bình Đại và có cả phòng nghỉ qua đêm cho khách tham quan ngay dưới tán đước, dừa nước. Hiện tại, 7 phòng khách nghỉ vừa hoàn thành với mái lợp lá dừa nước, vách gỗ dừa, sàn gỗ... Chị Hiện cho biết: “Căn nhà thiết kế đơn sơ nhưng rất mát mẻ và tiện nghi. Đến đây, du khách như hòa mình vào thiên nhiên, gác lại mọi áp lực, bộn rộn chốn thị thành. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới hy vọng sẽ đón được nhiều khách du lịch đến đây tham quan, nghỉ ngơi và thưởng thức những đặc sản dưới tán rừng của quê hương Bình Đại”.
Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho rằng, Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ phát triển kinh tế biển là trọng yếu, trong đó có ngành du lịch. Huyện đẩy nhanh mời gọi đầu tư các dự án du lịch biển, du lịch sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Trong đó, có đơn vị xin đầu tư dự án du lịch biển Thừa Đức. Song song đó, huyện đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ven biển khu vực cồn Chày Mười (xã Thới Thuận) với cảnh thiên nhiên hoang sơ và đê ốc viết rất độc đáo. Hy vọng trong thời gian tới, các dự án này được triển khai cùng với du lịch văn hóa tâm linh (Lễ hội Nghinh Ông), du lịch sinh thái... sẽ hình thành tour du lịch hấp dẫn khách phương xa. Từ đó, phát triển du lịch theo hướng bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương vào năm 2030.
Đánh thức tiềm năng kinh tế ven biển
Những năm gần đây, 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú có sự chuyển mình mạnh mẽ để phát huy lợi thế, tiềm năng của 65km dọc bờ biển. Trong đó, đóng góp đáng kể nhất là mô hình nuôi tôm, lúa - tôm, nuôi tôm công nghệ cao, đánh bắt thủy sản và nhất là phát triển năng lượng tái tạo...
Đi dọc sông Hàm Luông từ xã Mỹ An đến xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) sẽ choáng ngợp bởi màu vàng của lúa chín bên những vuông nuôi tôm. Mô hình trồng lúa sạch kết hợp với nuôi tôm thích ứng với BĐKH giờ trở thành xu hướng tất yếu để bà con nơi đây phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình ông Trần Tấn Lộc, ngụ ấp An Khương (xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, ông Lộc cùng 10 hộ dân trong ấp tham gia tổ nuôi tôm càng xanh toàn đực do Dự án AMD Bến Tre tài trợ. Trong đó, Dự án AMD tài trợ 161 triệu đồng để giúp người dân mua con giống, thức ăn. Vụ đầu tiên nuôi sau 8 tháng, hầu hết các hộ đều có lợi nhuận từ 35 triệu đồng trở lên. Ông Lộc cho biết: “Việc tham gia dự án giúp gia đình những hộ nghèo như chúng tôi dần thích ứng với BĐKH, tạo thu nhập để từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang mô hình kết hợp lúa - tôm để thích ứng với BĐKH ngày càng gay gắt như hiện nay”.
Ngoài mô hình lúa - tôm, ở các huyện ven biển đang dần thay da đổi thịt nhờ phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Rất nhiều làng quê tại ba huyện ven biển cũng thay đổi nhờ con tôm biển. Năm 2003, lão nông Trần Văn Trưởng, 65 tuổi, ấp Vịnh Đức Tây (xã Vĩnh An, huyện Ba Tri) cùng các hộ dân nơi đây bắt đầu nuôi tôm sú rồi từ từ chuyển sang tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu, ông chỉ nuôi với diện tích vỏn vẹn 2.000m2. Sau nhiều vụ trúng mùa, gia đình tích góp nên đã mua tổng cộng gần 5ha với 17 ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu nhập khoảng 40 - 50 tấn (mỗi năm 2 vụ), lợi nhuận hàng tỷ đồng. Năm nay, gia đình ông Trưởng mạnh dạn chuyển đổi 17 ao nuôi tôm truyền thống sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bước đầu hiệu quả khá cao.
Nhiều người lâu không về xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) sẽ rất bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của vùng đất ven biển này với nhiều hàng quán, nhà nghỉ, điểm du lịch... Trong đó, các nhà máy điện gió đang mọc lên kéo theo nhiều điểm kinh doanh, dịch vụ phát triển. Hiện tại, toàn tỉnh có 6 dự án điện gió đang được đầu tư xây dựng. Trong đó, Nhà máy điện gió số 5 (do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu đầu tư tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) sẽ vận hành thương mại sớm nhất vào đầu năm 2021. Ông Mai Văn Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu cho biết: “Đến nay, công ty đã thi công xây lắp đường dây 110kV; thi công đóng cọc móng trụ tua-bin gió và thực hiện đổ bê-tông đài móng tại Nhà máy Thạnh Hải 1, Thạnh Hải 2 đã hoàn thành hơn 90%. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ vận chuyển tua-bin gió và lắp đặt tua-bin trong năm 2021".
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cho rằng, trong nhiệm kỳ này, tỉnh định hướng quy hoạch, phát triển về hướng Đông với việc đầu tư phát triển thủy sản, năng lượng sạch, điện khí, điện mặt trời và các khu công nghiệp, hậu cần nghề biển, thương mại dịch vụ, đô thị... Điểm nhấn sẽ là đầu tư con đường ven biển có liên kết vùng từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh phía Đông đồng bằng sông Cửu Long. Việc làm này ngoài phát triển kinh tế còn có ý nghĩa thích ứng biến đổi khí hậu, chống sạt lở và tương lai có đê biển bao bọc cả vùng. Đặc biệt gắn đường ven biển đảm bảo quốc phòng, an ninh; tạo được kết nối trong các tỉnh và tạo ra quỹ đất rộng lớn để phát triển trong tương lai.
Hoàng Trung