logo
title

Tín hiệu vui đầu năm của di sản văn hóa Bình Dương

Cập nhật ngày: 23/02/2021
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) Bình Dương tiếp tục đón nhận thêm nhiều tin vui trên lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng khi có những di tích, di sản văn hóa, bảo vật quốc gia đã được các cấp công nhận.
Đây là động lực để ngành tiếp tục phấn đấu, giữ gìn và phát huy các giá trị nhằm làm phong phú thêm kho tàng văn hóa mà đất và người Bình Dương đã tạo dựng nên.
 
 
Một góc sản xuất các mặt hàng gốm bằng phương pháp thủ công tại lò lu Đại Hưng trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một
 
Tín hiệu vui đầu năm
 
Những ngày đầu tháng 2-2021, mặc dù đang trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán nhưng sau khi nhận được thông tin Bộ VHTTDL công nhận danh mục 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của đất Bình Dương, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã gọi điện chia sẻ ngay niềm vui này với chúng tôi. Theo đó, 2 di sản của tỉnh đã được Bộ VHTTDL quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Di sản “Nghề thủ công truyền thống nghề gốm Bình Dương” ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An và TX.Tân Uyên đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 598/Q-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 3-2-2021 của Bộ VHTTDL; di sản “Tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian võ lâm Tân Khánh Bà Trà” phường Tân Phước Khánh ở TX.Tân Uyên; phường Bình Chuẩn, phường Bình Nhâm, phường Bình Hòa, phường Hưng Định ở TP.Thuận An và phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 599/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 3-2-2021 của Bộ VHTTDL.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phước cho biết Bình Dương là vùng đất có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời, trong đó nghề gốm là một trong những nghề có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà. Thời gian qua, gốm sứ Bình Dương đã tạo được thương hiệu riêng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng gần xa. Trong khi đó, võ lâm Tân Khánh Bà Trà cũng là một di sản văn hóa phi vật thể hình thành, phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua thời gian, dù có lúc thăng trầm, nhưng võ Tân Khánh Bà Trà vẫn được các thế hệ đi sau duy trì, truyền dạy cho nhau và ngày càng phát triển. Võ Tân Khánh Bà Trà được xem là một trong những môn phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam khá phong phú về đòn, thế, thức và quyền cước. Vì thế, việc Bộ VHTTDL công bố danh mục 2 di sản của tỉnh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo ông Phước có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Bình Dương.
 
Ngay sau khi có các quyết định, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở VHTTDL phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo các quyết định mà Bộ VHTTDL đã công bố. Ông Phước cho biết, hiện nay Sở VHTTDL, mà cụ thể là Bảo tàng tỉnh đang tích cực chuẩn bị các bước tiếp theo để tổ chức lễ công bố 2 di sản này trong thời gian tới.
 
Tiếp tục giữ gìn và phát huy
 
Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành VHTTDL. Theo đó, trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở VHTTDL trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận 2 di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đó là di tích chiến thắng Bót Cây Trường ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng và di tích nhà cổ Dương Văn Hổ ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Tiếp theo đó, vào cuối tháng 12-2020, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
 
Ông Lê Văn Phước cho biết trong năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở VHTTDL nhiều nội dung quan trọng về bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. “Công tác này sẽ được chúng tôi tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa trong năm 2021 nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên đất Bình Dương. Ngoài việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ công bố 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một bảo vật quốc gia đã được công nhận, hiện nay chúng tôi cũng đang thực hiện lập hồ sơ khoa học lễ hội Kỳ Yên đình Tân An (TP.Thủ Dầu Một) và lễ hội Kỳ Yên đình Dĩ An (TP.Dĩ An) để tham mưu sở trình các cấp xem xét, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Phước nói.
 
Những tín hiệu vui mà ngành VHTTDL tỉnh nhà đã đón nhận trong những tháng đầu năm nay không chỉ là kết quả từ sự nỗ lực phấn đấu của tỉnh trong thời gian dài mà còn là động lực để những người làm công tác VHTTDL tiếp tục cố gắng hơn trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển những giá trị, nét đẹp văn hóa trên đất Bình Dương. Tất cả những giá trị ấy không chỉ góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn xây dựng, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp văn hóa của mảnh đất và con người Bình Dương đến với tất cả mọi người.
 
Hồng Thuận
Báo Bình Dương